Đang mang thai hoặc cho con bú – Dùng Acyclovir có an toàn?

Thông thường khi mắc Zona hoặc Herpes có thể sử dụng acyclovir bôi hoặc uống để điều trị. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai và cho con bú nếu bị Zona hoặc Herpes việc dùng loại thuốc này có an toàn?

Đang mang thai hoặc cho con bú – Dùng Acyclovir có an toàn?

Thuốc acyclovir trong điều trị kháng virus

Thuốc acyclovir có mặt trong rất nhiều sản phẩm thuốc trên thị trường như: acirax, acyvir, azalovir, dovirex, kemivir, lacovir, osafovir… là thuốc kháng virus; được dùng trong điều trị nhiễm virus Herpes simplex (type 1 và type 2) lần đầu và tái phát ở niêm mạc – da (viêm miệng, lợi, bộ phận sinh dục), viêm não – màng não, ở mắt (viêm giác mạc). Bên cạnh đó, thuốc cũng được dùng trong điều trị Zona, dự phòng biến chứng mắt do Zona mắt. Ngoài ra, thuốc còn có một số chỉ định khác như dùng điều trị nhiễm virus Varicella Zoster, thủy đậu.

Với mỗi loại bệnh, nặng hoặc nhẹ, các bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc, liều lượng thích hợp. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ không đáng có. Không dùng thuốc cho bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc một số thành phần của thuốc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên, nên điều trị với thuốc acyclovir càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Ở dạng uống, cần thay đổi liều acyclovir tùy chỉ định. Với dạng bôi, dùng qua da (dạng thuốc mỡ) cũng cần bôi ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng để có hiệu quả tốt nhất. Chính vì vậy, khi có triệu chứng cần đi khám tại các phòng khám uy tín để được điều trị kịp thời.

Lưu ý khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Aciclovir hấp thu kém qua đường uống, sinh khả dụng 10 – 20%, phân bố rộng trong dịch cơ thể và cơ quan. Thuốc chậm thải trừ hơn ở bệnh nhân giảm chức năng thận. Khi bôi lên da, thuốc hấp thu rất ít. Khi dùng đường uống, thuốc qua được hàng rào nhau thai; phân bố được vào sữa mẹ với nồng độ gấp 3 lần trong huyết thanh mẹ.

Thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.

Độc tính của thuốc acyclovir trên phụ nữ có thai

Một số bằng chứng hiện tại trên người không cho thấy tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ có mẹ dùng acyclovir trong thời kỳ mang thai. Sử dụng acyclovir tại chỗ điều trị Herpes cũng không cho thấy tác hại nào.

Độc tính của thuốc acyclovir trên phụ nữ cho con bú

Các nhà khoa học cho biết, chưa quan sát thấy các triệu chứng độc tính trên trẻ bú mẹ, và ngay cả kể sử dụng acyclovir trên trẻ sơ sinh cũng cho thấy dung nạp tốt. Sử dụng acyclovir tại chỗ trên diện tích da nhỏ, xa vùng cho con bú ít gây nguy hiểm với trẻ bú mẹ.

Ngay cả với liều aciclovir cao nhất ở mẹ, nồng độ aciclovir trong sữa chỉ khoảng 1% và ít có khả năng gây ra tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ, tuy nhiên vẫn nên thận trọng khi sử dụng.

Sử dụng thuốc acyclovir an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú

Ở phụ nữ có thai: Nếu chỉ định thuốc kháng virus đường toàn thân điều trị tình trạng nặng ở mẹ mang thai, hoặc để bảo vệ thai nhi tránh nhiễm trùng trong tử cung với lợi ích vượt trội so với nguy cơ, thuốc được ưu tiên và đánh giá tốt hơn cả đó là acyclovir hoặc valacyclovir. Acyclovir cũng là thuốc ưu tiên sử dụng điều trị tại chỗ Herpes.

Ở phụ nữ cho con bú: Mặc dù aciclovir được ưu tiên hơn cả nếu có chỉ định điều trị kháng virus trong thời kỳ này nhưng vẫn nên thận trọng. Nếu có thể, nên dùng đường tại chỗ.

Có thể cho con bú khi sử dụng acyclovir tại chỗ hoặc đường toàn thân điều trị Herpes. Với dạng tại chỗ, chỉ nên dùng các kem hoặc gel thân nước, tránh thuốc mỡ để hạn chế lượng parafin trong thuốc mỡ trẻ nuốt phải khi bú mẹ của trẻ.

Khi sử dụng thuốc, người dùng đôi khi buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hiếm và nhẹ, tự hết, nhưng nếu có các triệu chứng nặng, nên ngưng thuốc ngay và báo cho bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý kịp thời.

Nguồn Sức khỏe & Đời sống