Điều trị tiêu chảy cấp: Dùng thuốc nào, dùng như thế nào?

 Khi mùa hè đến, do thời tiết nóng bức liên quan đến ô nhiễm thực phẩm, nên dễ bị tiêu chảy cấp. Vậy khi nào cần đến bệnh viện và dùng thuốc như thế nào?

Điều trị tiêu chảy cấp: Dùng thuốc nào, dùng như thế nào?

Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm trùng, do kém vệ sinh, thiếu nước sạch, ăn ở đông đúc chật chội, thiếu phương tiện y tế. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân – tay – miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.

Các biểu hiện lâm sàng chung của tiêu chảy cấp thường có nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy nhiều. Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân.

Các thuốc trị tiêu chảy được đề cập trong bài viết này chỉ là các thuốc điều trị triệu chứng, bù nước và điện giải, làm giảm sự co thắt ở ruột, sửa chữa sự rối loạn tiết dịch do đó làm giảm đau bụng và làm giảm số lần đi đại tiện.

Khi mắc tiêu chảy thì nên đi khám bệnh. Để điều trị cụ thể một bệnh tiêu chảy nào đó thì phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Dung dịch bù nước và điện giải

Tuy không phải là thuốc điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để chống mất nước. Từ đó giúp tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra cho bệnh nhân.

Thuốc thường dùng là gói osesol chứa 20g glucose khan, 3,5g natriclorit; 2,9g natricitrat và 1,5g kaliclorit) 1 gói pha với 1 lít nước sôi để nguội. Uống làm nhiều lần trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 – 3 gói trong ngày. Lưu ý, nên chia nhỏ lượng nước để dễ uống, không cần phải uống nhiều quá vào một lúc. Có thể thay thế osesol bằng viên hydrit, mỗi viên pha với 200ml nước.

Thuốc làm giảm nhu động ruột

Thuốc làm giảm sự co bóp của ruột giúp nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột vì thế làm tăng độ đặc của phân. Tuy nhiên không dùng thuốc trong các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn mà chỉ dùng trong các trường hợp như tiêu chảy do chế độ ăn, do dị ứng…

Trong các thuốc này, thông dụng có loperamid. Đây là thuốc chống tiêu chảy có gốc á phiện không tác dụng lên thần kinh trung ương ở liều điều trị. Tác dụng không mong muốn là gây táo bón, ban chẩn, nếu dùng quá liều có thể gây liệt ruột và gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Không dùng loại dung dịch cho trẻ dưới 2 tuổi và loại thuốc viên cho trẻ dưới 8 tuổi. Cân nhắc khi sử dụng cho người suy gan, phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Diphenoxynat cũng là thuốc trị tiêu chảy gốc á phiện có thêm hoạt chất atropine. Tác dụng không mong muốn là gây khô miệng, buồn ngủ, táo bón; hiếm hơn là gây nôn mửa, nhức đầu, ngứa. Dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp dẫn đến hôn mê. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nặng.

Thuốc kháng tiết ở ruột non

Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế men encephalinase làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt hiệu quả tối đa sau khi uống 1 giờ, thời gian tác dụng kéo dài khoảng 8 giờ. Nhưng thuốc đôi khi gây buồn ngủ và cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc dẫn xuất từ nấm men và vi khuẩn

Các antibiophilus, byosybtin… các nấm men không gây bệnh, đề kháng với kháng sinh, cung cấp các enzyme, các acid amin, và các vitamin nhóm B, nó ức chế sự phát triển của Candida albica và một số vi khuẩn khác, đặc biệt là các vi khuẩn xuất hiện khi dùng kháng sinh. Đa số các thuốc này không nên dùng chung với các kháng sinh đường uống nhất là các kháng sinh phổ rộng.

Các chất hấp phụ

Là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thán nước, có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân. Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột. Ngoài ra cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng.

Một số thuốc hay dùng của nhóm này như: gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silice, dextrin – maltose, natri clorit), sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic)…

Ngoài ra trong Đông y còn hay sử dụng thuốc berberin là alcaloit chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng. Thuốc có tác dụng diệt lỵ amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Nguồn Suckhoedoisong.vn