Lưu ý những dạng thuốc viên không nên nhai, nghiền

Đối với trẻ em, người mắc bệnh nuốt khó hay bệnh nhân có đặt ống thông dạ dày, việc uống nguyên viên thuốc là một vấn đề khó khăn. Trong tình huống này, điều trị thường lựa chọn đường dùng khác thay thế hoặc dùng giải pháp nhai hay nghiền viên thuốc.

Lưu ý những dạng thuốc viên không nên nhai, nghiền

Các loại viên nén thông thường, viên giải phóng tức thì, viên bao đường hoặc bao film là những dạng thuốc có thể nhai hoặc nghiền được vì dược động học thay đổi không đáng kể. 

Ngược lại, có rất nhiều dạng thuốc viên không nên nhai hoặc nghiền là:

1. Dạng bào chế kiểm soát giải phóng

Thường được gọi với nhiều thuật ngữ khác nhau như thuốc giải phóng chậm, thuốc tác dụng kéo dài, thuốc giải phóng theo nhịp, thuốc giải phóng có kiểm soát … Các dạng này có thể được nhận biết nhờ những kí hiệu trên tên thuốc như: 12-hour, 24-hour, CR, LA, Retard, SR, XL… Tuy nhiên, cũng có nhiều tên thuốc không có kí hiệu để nhận biết như: Aggrenox, Pentasa, Plendil, Nitromint… Do đó, phải kiểm tra dạng bào chế của thuốc trước khi nhai hoặc nghiền bất kì loại thuốc viên nào.

2. Thuốc bao tan trong ruột

Đây là dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn nhằm mục đích:

(i) ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày chẳng hạn như các thuốc ức chế bơm proton (Nexium, Pantoloc) hoặc Bisacodyl….;

(ii) tránh tác dụng phụ kích ứng dạ dày của dược chất như Deparkin, Voltaren…. Vì vậy, không nên nhai, nghiền những loại thuốc này.

3. Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây ung thư, quái thai

Các thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch thuốcnhư Endoxan, Methotrexat…. Việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này.

 Ngoài ra không nên nhai, nghiền những thuốc mà dược chất có mùi vị khó chịu như Zinnat, Remeron… hoặc dược chất gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như Fosamax, Felden….