Nhận biết một số bệnh qua màu sắc của đờm (đàm)

Thời điểm giao mùa là thời điểm rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp có nhiều biểu hiện như ho, sổ mũi, nặng hơn sẽ có đờm.

Nhận biết một số bệnh qua màu sắc của đờm (đàm)

Đờm xanh hoặc vàng

Đờm có màu xanh hoặc vàng thường là dấu hiệu của nhiễm khuẩn, màu sắc này do một loại enzyme có màu xanh do bạch cầu trung tính tiết ra. Khi màu sắc đờm thay đổi từ vàng sang xanh khi bệnh trở nặng hơn.

Các bệnh có thể gây đờm vàng hoặc xanh:

  • Viêm phế quản: triệu chứng ban đầu thường là ho khan hoặc ho có đờm trong hoặc màu trắng. Sau đó, đờm có thể chuyển sang màu vàng hoặc xanh, là dấu hiệu của nhiễm virus sang bội nhiễm vi khuẩn. Ho có thể kéo dài đến 90 ngày.
  • Viêm phổi: thường là biến chứng của các bệnh đường hô hấp khác. Bệnh nhân có thể ho ra đờm vàng, xanh thậm chí có máu. Các triệu chứng rất thay đổi tùy vào loại viêm phổi. Các triệu chứng thường gặp là: ho, sốt, rét run, khó thở.
  • Viêm xoang: có thể do dị ứng, nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Viêm xoang có kèm nhiễm khuẩn thường có đờm màu xanh hoặc vàng, kèm các triệu chứng: nghẹt mũi, nước sau mũi chảy xuống cổ họng, và áp lực tại xoang mũi.
  • Bệnh xơ nang: là một dạng bệnh phổi mãn tính có đờm tích trong phổi, màu sắc đờm rất thay đổi từ vàng đến xanh đến nâu.

Đờm có màu nâu

Đờm có màu nâu hoặc rỉ sắt, thường là do máu cũ, màu sắc này của đờm có thể thấy sau khi đờm có màu đỏ hoặc hồng.

Các bệnh thường có đờm màu nâu:

  • Viêm phổi nhiễm khuẩn: đờm thường có màu xanh – nâu hoặc màu rỉ sắt.
  • Viêm phế quản nhiễm khuẩn: thường gặp khi bệnh tiến triển hoặc trong viêm phế quản mạn tính. Bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc viêm phế quản mạn tính cao hơn nếu hút thuốc lá hoặc có tiếp xúc với các chất độc hại khác.
  • Bệnh xơ nang: bệnh này có thể gây đờm màu nâu
  • Bệnh bụi phổi: bệnh gây ra do hít phải các loại bụi như bụi than, bụi amiang hoặc silic. Bệnh có thể gây đờm màu nâu.
  • Áp xe phổi: đờm do áp xe phổi thường có màu nâu hoặc có máu, ngoài ra đờm còn thường có mùi hôi.

Đờm có màu trắng

Đờm màu trắng thường gặp trong:

  • Viêm phế quản do virus
  • Trào ngược dạ dày – thực quản: bệnh nhân có thể bị ho, khạc đờm đặc, màu trắng
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Suy tim sung huyết: suy tim khiến tim không thể bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể. Ứ dịch xảy ra ở các cơ quan hoặc vùng khác nhau gây phù. Dịch có thể ứ đọng tại phổi và có thể gây ra đờm trắng, khó thở.

Đờm có màu đen

Đờm đen xuất hiện khi bệnh nhân hít phải một lượng lớn bụi đen, ví dụ bụi than hoặc dấu hiện của nhiễm nấm.

Đờm đen thường gặp trong các trường hợp:

  • Nghiện thuốc lá: do sự tích tụ khói thuốc trong phổi
  • Bệnh bụi phổi: bệnh bụi phổi do bụi than thường ho ra đờm đen
  • Nhiễm nấm: do nhiễm nấm Exophiala dermatitidis – một dạng nấm đen hiếm gặp, thường gặp hơn ở những bệnh nhân xơ nang.

Đờm trong suốt không màu

Hàng ngày, cơ thể sản xuất một lượng đờm nhất định, thành phần của đờm bao gồm: nước, protein, kháng thể, và một số muối hòa tan để làm trơn và giữ ẩm cho đường hô hấp. Cơ thể sẽ tiết nhiều đờm hơn khi cần tống một chất kích thích nào đó, ví dụ phấn hoa hoặc một vài loại virus.

Đờm trong suốt thường gặp trong các trường hợp:

  • Viêm mũi dị ứng: bệnh nhân thường bị chảy mũi, nếu chảy mũi nhiều có thể gặp hội chứng nước sau mũi chảy xuống họng khiến bệnh nhân ho ra đờm trong suốt.
  • Viêm phế quản do virus: bệnh nhân thường ho ra đờm trong suốt hoặc trắng đục, nếu bệnh tiến triển hoặc có bội nhiễm, đờm có thể chuyển màu xanh hoặc vàng.
  • Viêm phổi virus: các triệu chứng sớm bao gồm: sốt, ho khan, đau cơ, và các triệu chứng giả cúm khác. Bệnh nhân có thể ho ra đờm trong suốt.

Đờm màu đỏ hoặc hồng

Do có máu trong đờm, tùy vào lượng máu nhiều hay ít mà đờm có màu đỏ hoặc hồng.
Thường gặp trong các trường hợp:

  • Viêm phổi: gặp trong viêm phổi tiến triển, các triệu chứng khác gồm rét run, ớn lạnh, ho, đau ngực, sốt.
  • Lao phổi: các triệu chứng chính bao gồm: ho kéo dài trên 3 tuần, ho ra máu và đờm đỏ, sốt và đổ mồ hôi về đêm.
  • Suy tim sung huyết
  • Thuyên tắc phổi
  • Ung thư phổi

Tính chất của đờm

Tính chất của đờm có thể thay đồi vì nhiều nguyên nhân, đờm có thể nhầy, lỏng, có bọt hoặc hơi đặc đến đặc và dính. Đờm trở nên đặc hơn và đậm màu hơn khi bệnh tiến triển nặng hơn. Đờm thường đặc vào buổi sáng hoặc khi bệnh nhân mất nước.

Đờm trắng và có bọt, có thể là dấu hiệu của COPD. Nếu đờm chuyển màu xanh hoặc vàng cho thấy bệnh có kèm nhiễm khuẩn vùng ngực.

Đờm có bọt và có màu hồng thường gặp trong suy tim sung huyết giai đoạn muộn.

Cần đi khám bác sĩ nếu đờm có màu đen, nâu, hồng hoặc đỏ hoặc đờm có bọt.

Nguồn: Cách dùng thuốc