Tay chân miệng: Hướng dẫn dùng thuốc cho trẻ

Đa số các ca tay chân miệng nhẹ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số ít có thể có biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong.

Tay chân miệng:  Hướng dẫn dùng thuốc cho trẻ
Enterovirus 71 (EV71) là thủ phạm gây ra bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường nhẹ và tự hết sau vài ngày.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, nhưng hay gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất dễ lây, virus có thể lây từ người này qua người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân, dịch tiết đường hô hấp, hoặc dịch từ bọng nước của người bị bệnh thông qua việc không rửa tay hoặc qua các bề mặt bị nhiễm virus không được vệ sinh sạch sẽ.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là một hội chứng lâm sàng, được gây ra bởi một nhóm các virus đường ruột, điển hình như: Virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71)… Đây là thủ phạm chính gây ra bệnh tay chân miệng.

Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong. Các virus đường ruột khác thường gây bệnh nhẹ.

Các triệu chứng của tay chân miệng là gì?

Khi bị tay chân miệng trẻ thường:

  • Đau miệng.
  • Đau họng.
  • Ăn kém, quấy khóc, nôn trớ.
  •  Sốt thường chỉ dưới 38,3 độ C. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều thì dễ có nguy cơ biến chứng nặng.

Các triệu chứng tại chỗ gồm

  • Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; chảy dãi nhiều do tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Tay chân miệng có thể dẫn đến các biến chứng gì?

Đa số tay chân miệng là nhẹ. Tuy nhiên, một tỉ lệ nhỏ có thể bị biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Các biến chứng gồm: 

  • Rối loạn nước điện giải do nôn trớ, hoặc do không ăn uống được, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  •  Viêm màng não vô khuẩn (mặc dù rất hiếm). 
  • Một số ít trường hợp, trẻ sau khi bị tay chân miệng có thể dẫn đến mất móng tay hoặc móng chân vài tuần sau khi bị bệnh. Tuy nhiên, rồi móng sẽ tự mọc lại mà không cần điều trị.

Ngoài ra còn có các biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, viêm não, liệt mềm, loét giác mạc.

photo-1636349655327
Tay chân miệng gây ra những vết phát ban dạng phỏng nước.

Điều trị bệnh như thế nào?

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là hỗ trợ điều trị triệu chứng và đợi bệnh qua đi. Các trẻ có biến chứng cần được phát hiện sớm và nhập viện để theo dõi điều trị kịp thời.

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Các thuốc điều trị hỗ trợ gồm: Dùng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen) nếu sốt và đau nhiều.  Không dùng aspirin cho trẻ bị nhiễm virus vì có thể dẫn đến hội chứng Reye ở trẻ. Hội chứng Reye có thể gây bệnh lý nguy hiểm ở não và gan, có nguy cơ gây tử vong ở trẻ. 

Lưu ý ở đây dùng thuốc với mục đích giảm đau, nên dù trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, vẫn có thể cho trẻ dùng. Liều dùng như với hạ sốt paracetamol 10-15 mg/kg, có thể lặp lại mỗi 4-6h, không quá 5 lần/24h; ibuprofen 10mg/kg, có thể lặp lại mỗi 6-8h.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đồ mềm, mát, uống nhiều nước và chia nhỏ bữa ăn để trẻ ăn được tốt hơn. Lưu ý không cần kiêng thực phẩm gì đặc biệt cho con như một số truyền miệng.

Bù nước và điện giải

Có thể cho trẻ uống dung dịch oresol hoặc hydritre. Lưu  ý, cần pha đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì hoặc chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc tổn thương ngoài da

Với các tổn thương ở da cũng không cần chăm sóc gì đặc biệt, các mụn nước sẽ tự hết. Cha mẹ chỉ cần giữ vệ sinh, cắt gọn móng tay cho trẻ tránh cào gãi. Với các nốt mụn to vỡ có nguy cơ nhiễm khuẩn thì có thể dùng thuốc sát trùng ngoài da như xanhmethylen, kem chứa ion bạc…

Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi bôi thuốc lên tất cả các tổn thương ở trên da. Việc làm này hoàn toàn không mang lại hiệu quả. Ngoài việc, làm bẩn quần áo, còn có nguy cơ gây tác dụng phụ khi trẻ đưa tay vào miệng hoặc gây hấp thụ toàn thân khi bôi với lượng quá nhiều.

Dùng thuốc sao cho an toàn?

Để dùng thuốc an toàn cho trẻ trong điều trị tay chân miệng, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

– Tuyệt đối không dùng thuốc quá liều quy định, dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

– Thuốc kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp khi xác định có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

– Thuốc kháng virus như acyrclovir và các loại thuốc kháng virus khác không có hiệu quả trong điều trị virus gây bệnh tay chân miệng.

– Trong trường hợp trẻ ngứa nhiều có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc kem bôi. Tuy nhiên, không được tự ý dùng mà phải có hướng dẫn của bác sĩ.

Làm sao để phòng bệnh?

Có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh bằng việc đơn giản là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, ngay cả sau khi trẻ cảm thấy khỏe hơn. Cụ thể:

  • Dạy trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ và khử trùng mặt bàn, đồ chơi và những thứ khác mà trẻ có thể chạm vào.
  •  Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng, hãy cho con nghỉ học hoặc không đến nhà trẻ nếu con bị sốt hoặc cảm thấy không đủ khỏe để đi. 
  • Nên giữ trẻ ở nhà nếu trẻ chảy nhiều nước dãi hoặc có tổn thương phát ban ngoài da.

Lời khuyên của bác sĩ 

Khi trẻ bị tay chân miệng cha mẹ hãy bình tĩnh, đừng quá lo lắng dẫn đến các can thiệp không tốt cho trẻ. Hãy nhớ rằng bệnh đa phần lành tính, tự ổn định sau 7-10 ngày.

– Hãy đảm bảo đủ lượng dịch cho trẻ bằng bú nhiều hơn với trẻ nhỏ, cho trẻ uống nhiều nước hơn với trẻ lớn. Cho trẻ ăn đồ mềm, mát giúp trẻ dễ chịu hơn.

– Nhiều cha mẹ thấy trẻ bị bệnh không dám tắm rửa. Tuy nhiên, việc tắm rửa là cần thiết để đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Lưu ý là không lấy kim để chọc vỡ mụn nước vì có thể gây nhiễm trùng da. Với các bọng nước lớn bị vỡ có thể bôi các thuốc sát trùng ngoài da như xanhmethylen, kem chứa ion bạc…

Nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng:

  • Sốt trên 2 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt.
  •  Quấy khóc nhiều vô cớ, không thể dỗ nín.
  • Ngủ gà ngủ gật.
  • Nôn hết mọi thứ, ăn hoặc bú rất kém.
  • Trẻ giật mình lúc ngủ hoặc rùng mình, run người lúc thức; đi lại loạng choạng hoặc ngồi không vững.
  • Khó thở hoặc thở bất thường.
  •  Hoặc bất cứ điều gì làm cha mẹ cảm thấy con đang nặng hơn, hoặc không yên tâm về trẻ.

Nguồn: suckhoedoisong.vn