Khô âm đạo là vấn đề phổ biến xảy ở nhiều phụ nữ. Tình trạng này thường lành tính nhưng gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vợ chồng. Có nhiều nguyên nhân gây khô âm đạo như mãn kinh hoặc mất cân bằng nội tiết tố và một “thủ phạm” có thể bạn không ngờ đến – đó là tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Các mô âm đạo có một lớp dịch nhầy giữ vai trò bảo vệ, bôi trơn. Khi cơ thể nữ giới giảm tiết hoặc không tiết dịch nhầy này sẽ dẫn đến khô rát âm đạo, tổn thương, chảy máu cơ quan sinh dục khi giao hợp. Việc tiết dịch nhầy của cơ thể nữ giới rất dễ bị các kích thích tố như estrogen và testosterone, chịu trách nhiệm lưu thông máu đến âm đạo gây ảnh hưởng. Estrogen là một hormon rất quan trọng đối với phụ nữ giúp các tế bào tuyến ở cổ tử cung tiết chất bôi trơn tự nhiên cho âm đạo. Ngay cả sự dao động nhẹ về nồng độ hormon estrogen (ví dụ kết quả của việc dùng một loại thuốc mới) cũng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến âm đạo, cuối cùng dẫn đến khô. Nếu bạn bị ngứa âm đạo, khô, nóng rát và / hoặc đau khi quan hệ tình dục thì một trong những loại thuốc này có thể là nguyên nhân.
Mục lục
Thuốc an thần
Các loại thuốc an thần được sử dụng để điều trị mất ngủ như triazolam; thuốc benzodiazepine được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu như alprazolam và các loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa co giật như lorazepam đều có liên quan đến chứng khô âm đạo. Nhóm thuốc này làm ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin, đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến nồng độ estrogen. Nếu mức độ estrogen trở nên quá thấp, khô âm đạo có thể xảy ra.
Thuốc kháng histamin và thuốc cảm lạnh
Kháng histamin là thành phần chính trong đa số các loại thuốc dị ứng. Kháng histamin cũng là thành phần trong rất nhiều loại thuốc chống cảm lạnh vì có tác dụng làm khô lớp màng nhầy ở khoang mũi, từ đó làm giảm các triệu chứng như sổ mũi, chảy nước mắt và hắt hơi. Tuy nhiên, thuốc cũng sẽ khiến các mạch máu co lại, do vậy sẽ làm giảm lưu lượng máu dẫn đến làm giảm tiết dịch trên toàn cơ thể, bao gồm cả ở âm đạo. Mặc dù khô âm đạo khi sử dụng kháng histamin là rất hiếm gặp, nhưng nếu khô âm đạo xảy ra khi sử dụng thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để chuyển sang dùng một loại thuốc thông mũi khác thay thế.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị bội nhiễm do vi khuẩn. Kháng sinh làm thay đổi sự cân bằng vi khuẩn thông thường tại âm đạo. Nếu sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài thì rất có thể hệ vi khuẩn tại âm đạo của bạn sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến rất dễ bị nhiễm nấm gây khô rát âm đạo. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo như ngứa, nóng rát…, không nên quá lo lắng mà hãy đi khám bác sĩ phụ khoa ngay khi phát hiện thấy những biểu hiện này.
Thuốc huyết áp và tim mạch
Cả thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chẹn beta đều có liên quan đến khô âm đạo ở một số phụ nữ. Thuốc chẹn kênh canxi, ngăn canxi xâm nhập các tế bào của tim và thành mạch máu được sử dụng để hạ huyết áp. Thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh như huyết áp cao, chứng đau nửa đầu và bệnh Raynaud. Thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim và giảm lực co bóp của tim, thuốc thường được kê đơn cho những người bị tăng huyết áp, đau thắt ngực, suy tim, rung tâm nhĩ, tiền sử đau tim và đau nửa đầu. Thuốc chẹn beta đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến các cơ quan sinh sản dẫn đến giảm bôi trơn âm đạo.
Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai nội tiết tố có thể gây ra sự dao động của hormon và làm mất cân bằng tỷ lệ estrogen/progesterone. Điều này dẫn đến khô âm đạo ở một số người sử dụng thuốc.
Thuốc nội tiết
Tamoxifen và evista – cả 2 chất điều chế estrogen được sử dụng trong điều trị ung thư, hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể estrogen trong mô âm đạo, gây ra mức độ bôi trơn thấp hơn. Hóa trị cũng có thể dẫn đến khô vì nó có thể ngăn cản sự giải phóng estrogen, làm giảm estrogen.
Mặc dù khô âm đạo khi sử dụng thuốc không phải là tình trạng phổ biến nhưng nếu khô âm đạo xảy ra khi sử dụng thuốc, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để chuyển sang dùng một loại thuốc khác thay thế. Nhiều phụ nữ cảm thấy xấu hổ vì bị khô âm đạo và không muốn chia sẻ điều này với bác sĩ. Bạn nên cố gắng hết sức để vượt qua cảm giác này, thông báo cho bác sĩ biết vì đôi khi khô âm đạo cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn. Cũng không nên tự ý dùng các sản phẩm dưỡng ẩm hoặc bôi trơn âm đạo với các loại sản phẩm không được bào chế dành riêng cho mục đích này vì sẽ gây kích ứng âm đạo và khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
DS. Trần Thị Ngọc Vân
Nguồn Suckhoedoisong.vn