Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh ngoài da phát triển, trong đó có rôm sảy. Cần điều trị đúng cách, kịp thời sẽ giúp trẻ tránh những tổn thương da nghiêm trọng…
1. Vì sao trẻ hay gặp rôm sảy vào mùa hè?
Rôm sảy là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ vào mùa hè. Bệnh gây nên do tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ứ đọng mồ hôi, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín, khiến da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da.
Ở trẻ em do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, lại thêm thời tiết mùa hè nắng nóng cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài hết, gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi.
2. Triệu chứng rôm sảy
Khi bị rôm sảy, trẻ thường:
- Xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám, trên nền da mẩn đỏ.
- Ngứa, quấy khóc nhiều, bứt rứt và khó chịu.
- Rôm sảy thường gặp ở trán, cổ, vai, ngực, lưng, có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi trời nóng nực. Khi thời tiết mát mẻ các mẩn trên da có thể tự lặn mà không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trẻ ngứa, gãi nhiều gây tổn thương da , khiến da bị nhiễm khuẩn thành những mụn mủ và nhọt. Nguy hiểm hơn, rôm sảy dạng sâu có thể gây sốc do nóng khiến trẻ đau đầu, mạch nhanh, nô, hạ huyết áp…
3. Xử trí thế nào?
Nguyên tắc xử trí là cho cơ thể mát mẻ, thoáng khí, hạn chế mồ hôi tiết ra, chống viêm da.
3.1. Biện pháp không dùng thuốc
Có thể sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc trị rôm sảy ở trẻ:
– Nên tắm cho trẻ bằng nước mát và không dùng xà phòng loại làm khô da. Có thể tắm cho trẻ bằng lá trà xanh (phải rửa sạch, đun sôi kỹ, tránh nhiễm khuẩn da).
– Cho trẻ mặc quần áo mềm, nhẹ, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi; tránh mặc quá nhiều, quá chật.
– Khi thời tiết quá nóng có thể dùng quạt, máy điều hòa nhiệt độ.
– Phòng ngủ phải luôn mát mẻ, thông thoáng.
– Hạn chế không cho trẻ ra nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Vì đây là khoảng thời gian các tia cực tím hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da trẻ bị cháy nắng, bỏng rát, làm gia tăng rôm sảy. Nguy hiểm hơn là việc tiếp xúc nhiều với tia cực tím có thể gây ra ung thư da.
– Giữ cho da trẻ luôn được khô ráo và sạch sẽ. Không nên bôi nhiều kem hay các loại phấn lên da trẻ vì sẽ bịt lại các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm hơn.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi quá đông đúc và ngột ngạt.
– Tránh làm trầy xước các mụn vì có thể gây nhiễm trùng da.
– Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, thức ăn mát, nhiều vitamin.
– Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước ép trái cây, nước sắn dây, nước chanh, nước cam… Hạn chế cho trẻ uống các loại nước có chứa chất ngọt.
3.2. Dùng thuốc nào trị rôm sảy?
Theo BS. Trần Đồng, có thể sử dụng một số thuốc trong trị rôm sảy:
Thuốc sát trùng
Khi có nhiễm trùng nang lông với biểu hiện các mụn mủ, mụn to có thể bôi cồn iod hữu cơ như betadin nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng histamin
Có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm ngứa cho trẻ. VÍ dụ, sirô phenergan được khuyên dùng. Khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều chỉ định.
Thuốc kháng sinh
Trường hợp da bị viêm nhiều, lâu khỏi nên sử dụng kem trị rôm sảy hoặc kem bôi chứa kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, với các trường hợp trẻ bị rôm sảy nặng, gây tổn thương da, nhiễm trùng da, nên đi khám bác sĩ để được chỉ định cách điều trị đúng, tránh các hệ lụy có thể xảy ra.
Lưu ý, da trẻ rất mỏng manh, nhạy cảm nên việc sử dụng thuốc cho trẻ cần phải thận trọng. Tránh lạm dụng thuốc vì có thể gây dị ứng hoặc tổn thương
Theo Báo Sức khỏe đời sống