Trẻ em có một thành tích học tập tốt là kì vọng và niềm tự hào của cha mẹ. Do đó, nhiều phụ huynh luôn muốn mang đến cho con mình những điều kiện tốt nhất cho học tập, dẫn đến việc lạm dụng các sản phẩm được cho là “thần dược bổ não”.
Trẻ em là đối tượng có hệ thống cơ quan, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh về mặt sinh học. Đặc điểm sinh lý ở trẻ khác với người lớn, vì vậy việc dùng thuốc, kể cả thuốc bổ ở trẻ cũng phải cẩn trọng.
Mục lục
“Thần dược bổ não” có tồn tại?
Dù y học hiện đại đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng hiện tại vẫn chưa có một thuốc hay thảo dược nào có chỉ định là “bổ não”. Chưa có loại thuốc nào được chứng minh có khả năng giúp tăng cường trí nhớ hay trí thông minh của người bình thường sử dụng, mà chỉ có những loại thuốc điều trị suy giảm trí nhớ cho người mắc bệnh lý thần kinh.
Những thuốc được người dân coi là thuốc bổ não chỉ có tác động rõ rệt trên trường hợp bệnh lý điển hình; cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, gần như ít có tác dụng trên người khỏe mạnh. Một số thuốc có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động của não bộ trong thời gian đầu dùng thuốc, giúp người dùng có cảm giác tỉnh táo, sảng khoái. Sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến não bộ hoạt động quá tải, xảy ra tác dụng ngược; gây tình trạng lệ thuộc thuốc, thậm chí dẫn đến rối loạn tâm thần.
Vì vậy, việc cha mẹ tự ý mua thuốc được quảng cáo là bổ não, tăng cường trí nhớ cho con dùng trong thời gian dài là sai. Không những không có tác dụng, mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Bản chất thực của thuốc “bổ não”
Về phân loại, một số thuốc được quảng cáo có công dụng bổ não hiện nay tập trung ở một số sản phẩm có chứa các thành phần như:
– Các chất dinh dưỡng như Omega 3, DHA, vitamin nhóm B… cần cho sự hình thành và phát triển trí não của trẻ em, tăng hoạt động của các synap thần kinh. Các chất này thường được cung cấp đầy đủ từ trong thức ăn, trong sữa công thức cho trẻ và chỉ thực sự cần thiết khi trẻ chậm phát triển trí tuệ, được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê toa. Đối với người lớn và trẻ mới lớn, hầu như chỉ có tác dụng trên những người đang bị rối loạn thần kinh như viêm đa dây thần kinh, tê phù, người lớn tuổi…
– Thuốc có khả năng cải thiện trí nhớ cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ (Alzheimer) như galantamin… Những thuốc này có khả năng làm tăng nồng độ acetylcholin, chất trung gian dẫn truyền thần kinh ở não bộ.
– Các thuốc làm tăng lưu lượng máu não và thay đổi chuyển hóa ở não bộ: cinnarizin, piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba (cao lá bạch quả đã được tiêu chuẩn hóa), đinh lăng… Các thuốc này làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu đến não, tăng trao đổi oxy và glucose ở não; nhưng không phải là thần dược giúp trẻ học nhanh, nhớ lâu vì còn tùy thuộc trạng thái thể chất của từng trẻ. Là các chất tác động trên hệ thần kinh, nên không được tự ý sử dụng, có thể gây ra các ảnh hưởng và tác dụng không mong muốn. Không ít cha mẹ cho trẻ dùng ginkgo biloba vì nghĩ nó là thuốc chiết xuất thực vật, nhưng đây là thuốc chống chỉ định cho trẻ dưới 12 tuổi và các trẻ thiếu men G6PD. Thuốc vẫn có các tác dụng phụ khác.
Thuốc bổ nhưng nguy hại không ngờ
Đa số những người mua thuốc bổ về đều không cần qua bác sĩ khám và tư vấn. Họ dùng theo kiểu “được mách”, truyền miệng từ người này qua người khác. Tin rằng đã là thuốc bổ, nhất là thuốc bổ não đều không có tác dụng phụ hay độc tố, nên có thể yên tâm sử dụng. Đây là quan điểm sai lầm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người sử dụng.
Cần nhớ, một sản phẩm nào dù là thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược, khi đưa vào cơ thể ngoài hiệu quả chỉ định, cũng tồn tại nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn đối với cơ thể. Thuốc bổ não cũng không ngoại lệ.
Vì tác động trực tiếp lên dẫn truyền, chuyển hóa của hệ thần kinh và mạch máu, nên khi dùng các thuốc bổ não, nhất là dùng kéo dài liên tục dễ gây tình trạng phụ thuộc thuốc; dẫn đến các rối loạn tâm thần như dễ bị kích động, cáu gắt, rối loạn nhận thức, nhức đầu, mất ngủ, ngủ gật… Điều này sẽ khiến cho tinh thần và thể chất của trẻ suy giảm trầm trọng, vì vậy tuyệt đối không tự ý dùng và lạm dụng các loại thuốc bổ não.
Một số thuốc tác động lên huyết áp, hạ huyết áp, tim đập nhanh, bồn chồn, gây mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng… Một số dược liệu cũng tồn tại nguy cơ mất an toàn trong khi sử dụng cao; bởi người dùng thường dùng theo kinh nghiệm truyền miệng, không có kiến thức chuyên môn trong nhận biết dược liệu cho nên dùng sai, dùng phải dược liệu kém chất lượng (không có hoạt chất, không đúng liều lượng, dược liệu nhiễm độc, hư hỏng do bảo quản kém…), vì vậy mà tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.
Biện pháp nào cho trẻ khi mùa thi đến?
Thay vì chú trọng vào việc tìm và mua các loại “thần dược bổ não” cho con em mình, các bậc phụ huynh nên xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, học tập điều độ ; giúp trẻ đạt được thành tích tốt hơn trong học tập.
Các em cần được đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng, đủ ba bữa chính trong ngày, đặc biệt không bỏ bữa sáng. Chú trọng việc cung cấp chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ và đa dạng, quan tâm đến nhu cầu glucose của cơ thể. Glucose là nguồn “năng lượng” chủ yếu của não. Não bộ cần nhiều năng lượng để hoạt động khi trẻ học tập. Vì vậy, có thể bổ sung thêm các bữa ăn nhỏ trong ngày để não không bị “đói” glucose.
Cần có kế hoạch học tập dài hạn, phân bổ thời gian học tập, vận động và thư giãn hợp lý, tránh học kiểu nhồi nhét sẽ không hiệu quả. Khả năng tiếp thu của trẻ cao nhất khi được ngủ đủ giấc và não bộ có thời gian hồi phục, cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn. Trường hợp muốn sử dụng các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng hay các loại thảo dược, thì phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trí não của trẻ.
Chú ý các biểu hiện bất thường của trẻ để có thể đến bác sĩ thăm khám kịp thời, tránh tạo áp lực tâm lý. Trẻ bị stress trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như nhận thức và khả năng học tập, rèn luyện của trẻ.
DS. VĨNH PHÚ
Nguồn : Sức khỏe Đời sống