Cồn ethanol là một trong những thành phần chính của dung dịch rửa tay khô, giúp việc sát khuẩn nhanh và tiện lợi. Việc dùng cồn methanol vào thành phần dung dịch thay cho ethanol sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí nguy hiểm cho người dùng.
Mục lục
Methanol có thể gây ngộ độc
Methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp để làm dung môi như sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh… Do có độc tính cao nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng rất nhỏ trong các dung dịch công nghiệp.
Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic – acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Tuy nồng độ methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay không quá lớn, tuy nhiên nếu sử dụng về lâu dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Methanol có thể gây độc khi hấp thụ qua da hoặc uống phải. Methanol gây nguy hiểm cho thị giác và thần kinh… thậm chí đe dọa tính mạng. Các triệu chứng gặp phải do phơi nhiễm lượng lớn methanol có thể xuất hiện trong vòng 1 giờ đến 3 ngày bao gồm buồn nôn, nôn, nhức đầu, mờ mắt, mù vĩnh viễn, co giật, hôn mê, tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh hoặc tử vong.
Thu hồi các sản phẩm nước rửa tay khô chứa methanol
Mới đây, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng về tác hại của các sản phẩm nước sát khuẩn tay có chứa cồn methanol. Trong tháng 6/2020, đã có 16 trường hợp được báo cáo ở bang Arizona, Hoa Kỳ phải nhập viện do ngộ độc methanol sau khi uống phải nước sát khuẩn tay. Trước đây, đã có nhiều báo cáo trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol. FDA cũng đã đưa ra các bằng chứng mới đây cho thấy những trường hợp uống phải các sản phẩm sát trùng tay có methanol đã dẫn đến mù lòa, phải nhập viện và tử vong. Tính đến 19/6/2020, cơ quan này đã ra quyết định thu hồi 55 sản phẩm sát khuẩn tay không đảm bảo tiêu chuẩn.
Ở Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thu hồi gel rửa tay khô Abibus Handrub do Công ty TNHH dược mỹ phẩm Butter-C sản xuất vào giữa tháng 4/2020 do chứa methanol vượt ngưỡng cho phép. Sau đó, Cục Quản lý Dược tiếp tục có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc lô sản phẩm gel rửa tay khô ANTI-COR, số lô sản xuất: 032020; NSX: 11/02/2020; HD: 10.02.2023 (Số công bố: 09/20/CBMP-TB cấp ngày 05/02/2020) do Công ty cổ phần Dược Pacific sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường. Nguyên nhân bị thu hồi do kết quả kiểm nghiệm mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về hàm lượng methanol là 80,3%.
Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã tiếp nhận giám định nhiều sản phẩm nước rửa tay không đạt chất lượng. Có tới trên 40% sản phẩm có chứa methanol, có mẫu xét nghiệm mà methanol gần 100%.
Làm gì để bảo vệ chính mình?
Trên thực tế, cồn methanol trong nước rửa tay rất khó để nhận biết. Vì vậy, người dân cần tìm nguồn mua bảo đảm, tìm hiểu kỹ trước khi mua. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh mặt hàng này cũng cần kiểm tra xem sản phẩm có giấy chứng nhận đầy đủ trước khi đưa vào lưu hành.
Dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, người dân có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn ethanol với nồng độ từ 60-70%. Các sản phẩm chứa cồn khác như methanol không cho thấy có khả năng tiêu diệt được vi trùng, nhưng lại gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với lượng đủ lớn.
Nguồn ThS.BS. Hồ Mỹ Dung
Sức khỏe & Đời sống