Chính quyền Hà Nội yêu cầu từ 0h ngày 19/8, tất cả nhà hàng ăn uống, bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn, khuyến khích có vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội chiều 17/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu, từ 0h ngày 19/8, tất cả nhà hàng ăn uống, bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách, tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn, khuyến khích có vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ.
“Đây là những nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt quán bia hơi nếu có người mắc bệnh thì dễ lây lan rộng. Nhà hàng ăn uống, bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách “, ông Quý nhấn mạnh.
Ông Quý yêu cầu các đơn vị, địa phương của Hà Nội tiếp tục tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá 30 người. Nếu có biểu hiện ho sốt phải báo cho cơ sở khám chữa bệnh. Vận động người cao tuổi, bệnh nền nặng ở nhà không ra ngoài khi không có việc cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND TP Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, nghiêm túc đeo khẩu trang. “Lúc này người dân không nên ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Bà con nhân dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các quận huyện đã xử phạt một số rồi, tôi đề nghị làm mạnh hơn nữa. Sau khi xuất hiện bệnh nhân 962 thì không lơ là được” – ông Sửu nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Sửu đề nghị huy động thêm lực lượng để kiểm soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại quán xá, nhà hàng, quán bia, giải khát. “Cần thiết xử phạt mạnh hơn, thậm chí đóng cửa”.
Tại Hà Nội, tính từ 25/7 đến nay đã ghi nhận 33 ca mắc, chưa có tử vong. Trong đó 10 ca ngoài cộng đồng và 23 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh (22 ca từ Guine Xích đạo và 1 ca từ Mỹ).
TP rà soát tổng số 100.090 người về từ Đà Nẵng, trong đó số về từ ngày 15/7 là 77.150 người. Từ chiều ngày 8/8 đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15-29/7 gửi các đon vị của Bộ Y tế xét nghiệm, đến hết ngày 16/8 đã lấy được 50.602 mẫu, đã có kết qủa 28.478 mẫu, đều âm tính.
Dự báo, trong giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra, tản phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài TP xâm nhập vào.
Trên địa bàn đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca). Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn của Trung ương cũng như TP và thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh thành khác vào là rất cao.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn… Chính vì vậy mà nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và các cơ sở nhà hàng trong thời gian tới là rất cao.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám (lưu ý cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà không rõ yếu tố dịch tễ), thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca nhiễm Covid-19, thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ các cơ sở y tế ra cộng đồng.
Đảm bảo đầy đủ trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Theo Pháp luật và Bạn đọc