Hệ tiêu hóa ở trẻ em vẫn chưa hoàn thiện, còn non yếu nên trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon miệng, nhanh no, đau bụng tiêu chảy. Cha mẹ nên để ý các biểu hiện khác thường của bé để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho con yêu.
Mục lục
Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Khi chế độ ăn thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ nhỏ dễ bị rối loạn làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ. Cha mẹ nên chú ý những biểu hiện sau để phát hiện kịp thời bệnh lý về tiêu hóa của bé:
Nôn trớ: Dấu hiệu điển hình khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá. Nôn trớ hay trào ngược dạ dày là tình trạng thức ăn sau khi nuốt xuống dạ dày lại bị đẩy ngược lên trên do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện. Tình trạng này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên.
Táo bón: Trẻ ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ăn cứng, nhiều đạm,… trẻ bị táo bón sẽ chán ăn, cơ thể không hấp thu được dinh dưỡng, dần dần sẽ dẫn đến còi xương suy dinh dưỡng, chậm phát triển hơn so với bạn đồng trang lứa.
Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước nhiều lần một ngày thì bé đang bị tiêu chảy. Tình hình tiêu chảy kéo dài trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải.
Đi ngoài phân sống: Đường ruột bị mất cân bằng hệ vi khuẩn, hại khuẩn phát triển mạnh lấn át lợi khuẩn gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột, biểu hiện qua việc đi ngoài ra phân sống, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hóa.
Đầy hơi chướng bụng: Sau bữa ăn khoảng 2 tiếng, bụng bé vẫn căng tròn đầy hơi, ợ liên tục do thức ăn chưa được tiêu hóa sẽ lên men khiến trẻ bụng ậm ạch, chướng lên, xì hơi nhiều.
Nguyên nhân trẻ bị rối loạn tiêu hóa
– Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ sinh thái đường ruột, khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
– Sức đề kháng non yếu của trẻ chưa thể ngăn chặn các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… gây bệnh.
– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ ăn nhiều đồ chiên rán, bánh kẹo ngọt, xúc xích, các món ăn giàu đạm, uống nước có ga, nước ngọt mà ăn ít rau xanh, trái cây tươi, vitamin gây khó tiêu hóa, kém hấp thu, dễ bị đầy hơi chướng bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân sống.
– Các bệnh khác như bệnh lý viêm dạ dày, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Nên làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài?
Bệnh tiêu hóa khá phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng cha mẹ không nên chủ quan vì nếu để lâu sẽ dẫn đến tổn thương đường ruột mạn tính. Bên cạnh đó, thức ăn không thể tiêu hóa hoàn toàn, trẻ không hấp thu được dưỡng chất dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé yêu, cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời.
– Chế độ dinh dưỡng đủ chất, hợp lý: Uống đủ nước, tăng cường chất xơ, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi như rau bina, cải xoăn, cà rốt, súp lơ,… để hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, sự trao đổi chất tốt hơn. Ăn thêm thực phẩm giàu kẽm như sò, lòng đỏ trứng, đậu phộng, khoai lang,… để hỗ trợ tái tạo tế bào miễn dịch, giảm nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm trùng. Các mẹ lưu ý nên chọn thực phẩm tươi sống, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh khi chế biến.
– Tạo lối sống khoa học, sạch, khỏe. Phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen rửa sạch tay trước khi ăn, nhai kỹ thức ăn, chia nhỏ các bữa ăn để giúp giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa, trẻ sẽ ăn ngon hơn và hấp thu tốt hơn. Trẻ cần tập thể dục hằng ngày với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi để thúc đẩy hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả.
– Tránh căng thẳng, áp lực khiến con ăn mất ngon, ức chế quá trình tiêu hóa. Cần tạo không khí vui vẻ để bé thích thú với việc ăn.
Ngoài ra, để phòng và xử trí kịp thời rối loạn tiêu hóa, các mẹ có thể bổ sung men vi sinh cho con vì men vi sinh có chứa các lợi khuẩn tốt cho đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh, giúp trẻ ăn ngon miệng, cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, hỗ trợ tránh các bệnh về đường tiêu hóa trong đó có rối loạn tiêu hóa.
Nguồn: Sức khoẻ Đời sống