Nấm đường tiêu hóa hay còn gọi là nấm đường ruột, gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
Mục lục
Các yếu tố thuận lợi
Có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và gây bệnh của nấm. Trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai… một số người mắc bệnh lý đái tháo đường, suy dinh dưỡng, ung thư, bệnh máu ác tính, nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch dễ nhiễm nấm.
Ngoài ra, những người dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài diệt hết các vi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng sinh thái tại chỗ, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể… cũng khiến cơ thể dễ mắc nấm.
Có nhiều loại nấm có thể gây bệnh cho người, tuy nhiên nấm gây bệnh cho các cơ quan nội tạng nói chung và gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa nói riêng, thường gặp nhất là nấm Candida.
Nấm Candida thuộc họ Cryptococcaceae, là nấm men, có khoảng 300 loài, thường hội sinh ở một số cơ quan tiêu hóa, hô hấp và trên da, một số có thể gặp trong môi trường tự nhiên.
Khi gặp điều kiện thuận lợi thì trở thành tác nhân gây bệnh, hay gặp nhất là Candida albicans. Nấm đường tiêu hóa gặp nhiều trong những trường hợp hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm (AIDS), ở những bệnh nhân sau ghép tạng dùng các thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép, hay bị suy tủy xương, dùng corticoid kéo dài, tuổi già, đái tháo đường, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, bệnh ác tính, lạm dụng kháng sinh, nhất là các kháng sinh phổ rộng, điều trị hóa chất…
Dấu hiệu nhận biết
Khi nhiễm nấm, tùy từng người và vị trí sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau:
Đối với dạ dày – ruột (gastrointestinal candidiasis): thường xuất hiện trên bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc bệnh máu ác tính có thể có nhiều ổ loét ở dạ dày, tá tràng, ruột, thủng ruột có thể dẫn tới viêm phúc mạc, có thể lan theo đường máu tới gan, các cơ quan khác. Sự phát triển và xâm nhập của nấm ở dạ dày hoặc niêm mạc ruột thường dẫn tới thải rất nhiều nấm ở phân, có thể phát hiện được ở phân.
Đối với đại tràng do nấm: biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, có thể thấy mệt mỏi, đau bụng; rối loạn tiêu hóa, đi ngoài lúc lỏng lúc táo kéo dài; đầy bụng, sôi bụng; có thể có sốt.
Tại phúc mạc: nấm xâm nhập theo catheter dùng trong thẩm phân phúc mạc hoặc thủng dạ dày – ruột do loét, viêm đại tràng. Bệnh thường giới hạn ở vùng bụng trừ khi bệnh nhân có suy giảm miễn dịch nặng.
Khi nhiễm nấm ở thực quản: thường gặp ở bệnh nhân AIDS, suy giảm miễn dịch nặng, điều trị bệnh ung thư, thường kèm nhiễm Candida ở miệng. Viêm thực quản có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết hay bệnh lan tỏa. Bệnh nhân thấy đau, cảm giác bỏng cháy sau xương ức, nuốt đau, buồn nôn và nôn, nội soi thực quản thấy niêm mạc viêm đỏ và có các mảng trắng.
Về nguyên tắc, khi rối loạn tiêu hóa, muốn dùng thuốc diệt nấm phải biết chắc chắn đó là do nấm gây ra và loại nấm gì, ngoài ra còn phải dựa vào tình trạng bệnh (nặng hay nhẹ), thể trạng người bệnh như thế nào và phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn thuốc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nấm Candida thường trú ngụ và sinh sôi ở môi trường ẩm ướt, có độ pH cao nên có thể trú ngụ trong ruột và gây tình trạng nấm đường ruột, mức độ từ nhẹ đến nặng và biểu hiện thường gặp nhất là tiêu chảy. Hiện nay, việc điều trị chủ yếu được thực hiện bằng các thuốc diệt nấm đặc hiệu, nhưng vẫn phải dựa trên độ nặng nhẹ của từng người bệnh.
Vì vậy, để hạn chế bệnh lý do nấm gây ra, mọi người cần có ý thức hơn trong ăn uống, sinh hoạt và lao động để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh mắc phải các bệnh mạn tính, dễ tạo điều kiện cho bệnh nấm phát triển. Ngoài ra, cần có ý thức trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt không được tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch cho cơ thể như corticoid.
Theo : Ths. Nguyễn Văn Bằng
Suckhoedoisong.vn