WHO dự báo, đến năm 2050, toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh, trong đó trẻ em là những đối tượng dễ bị kháng kháng sinh.
Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đang bị xếp vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới: 83% vi khuẩn Pneumococal (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não…) đã kháng với kháng sinh penicillin; bệnh nhân mắc các bệnh do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong từ 30 – 90%, cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường; riêng bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc tỷ lệ tử vong lên đến 99%.
Kháng sinh là loại thuốc kê đơn, song 90% các loại kháng sinh được bán tự do và ai cũng có thể mua được. Đáng nói là 50% trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý. Hơn nữa, trẻ em có những khác biệt đáng kể so với người lớn, do đó việc sử dụng thuốc trên trẻ em cần hết sức thận trọng, nhất là đối với kháng sinh. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức về nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ, hết sức tránh những quan niệm sai lầm dưới đây:
Mục lục
Kháng sinh chữa được bách bệnh
Nhiều người cho rằng kháng sinh chữa được bách bệnh nên bất kỳ bị bệnh gì cũng mua kháng sinh về dùng. Thực tế, kháng sinh là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Nó chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn nhằm chống lại mầm bệnh đó.
Mỗi loại kháng sinh lại có tác dụng trên một số vi khuẩn nhất định và phát huy hiệu quả tốt nhất tại một số cơ quan nhất định trên cơ thể. Vì thế, nếu quan niệm cứ “sốt là phải dùng kháng sinh” hay “đã có viêm là phải dùng kháng sinh”, không những không giúp trẻ nhanh khỏi bệnh mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cha mẹ cần ghi nhớ: Kháng sinh phải do bác sĩ kê đơn. Khi sử dụng kháng sinh phải tuân thủ các nguyên tắc: dùng thuốc đúng chỉ định, đúng độ tuổi, đúng liều lượng và thời gian. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, chán ăn, mệt mỏi nhiều thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và kê đơn thuốc phù hợp. Không tự ý cho trẻ uống thuốc.
Sử dụng lại đơn thuốc cũ
Với tâm lý ngại đi khám, khi trẻ có biểu hiện bệnh giống lần trước, nhiều người thường cho con dùng lại thuốc hoặc đơn thuốc của lần trước đó. Đây là một sai lầm lớn. Bởi lẽ, có thể biểu hiện bệnh giống nhau nhưng chưa chắc đã cùng một bệnh, hoặc ngay cả khi bệnh cũ tái phát thì cách điều trị chưa chắc đã giống lần trước. Đối với các bệnh có nhiễm khuẩn, vi khuẩn thường biến đổi liên tục cộng với việc có thể trẻ đã kháng với kháng sinh dùng trước đó, nên nếu mẹ cho trẻ dùng lại đơn thuốc trước không những khiến trẻ không khỏi bệnh mà còn làm nặng hơn tình trạng bệnh của trẻ.
Tự ý ngừng hoặc tăng liều thuốc
Khi trẻ đã được bác sĩ kê đơn thuốc về uống, cha mẹ cần tuân thủ đúng liệu trình. Nhiều người, sau 2-3 ngày uống thuốc thấy trẻ có dấu hiệu thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng của bệnh thì lập tức cho trẻ ngừng thuốc. Vì cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, sẽ bị tác dụng phụ… Lại có trường hợp khi uống thuốc được vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác mạnh hơn hay dùng kéo dài hơn liệu trình “cho ăn chắc”. Tự ý tăng liều thuốc cho trẻ hết sức nguy hại bởi dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị sốc thuốc. Vì vậy, khuyến cáo cha mẹ nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự đổi loại thuốc mạnh hơn hay cho trẻ bỏ thuốc giữa chừng.
Cách sử dụng kháng sinh an toàn
Để sử dụng thuốc kháng sinh một cách an toàn, có trách nhiệm, cha mẹ cần lưu ý: cho con uống đúng loại thuốc, liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Cất giữ thuốc nơi xa tầm tay trẻ để tránh trường hợp trẻ tự lấy thuốc uống. Bỏ hết thuốc kháng sinh và các loại thuốc theo toa còn sót lại. Mỗi khi trẻ bị bệnh thì cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc mới. Ngoài ra, nếu có bất kỳ câu hỏi nào về thuốc, về cách chăm sóc trẻ khi bị ốm thì hãy nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn thêm. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngoài hiệu thuốc mang về cho con uống mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
DS. Nguyễn Minh Trang
Từ: Suckhoedoisong.vn