Việc phải đeo khẩu trang cả ngày khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, vậy có nên sử dụng kính chắn giọt bắn thay thế cho khẩu trang?
Là nhân viên bán hàng, tôi làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với rất nhiều người. Việc đeo khẩu trang cả ngày khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Vậy tôi có nên dùng kính chắn giọt bằng nhựa để che mặt thay thế cho khẩu trang được không? Mong giải đáp.
Lê Thị Lan (Hà Nội)
Kính chắn giọt bắn được sử dụng chủ yếu để bảo vệ mắt của người đeo. Đây là sản phẩm đang được nhiều người tìm mua trong thời gian gần đây. Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để khẳng định tính hiệu quả của kính chắn giọt bắn đối với việc kiểm soát nguồn lây nhiễm.
Trong y tế các bác sĩ cũng có sử dụng các sản phẩm với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên trong các cuộc phẫu thuật, khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID… Tuy nhiên, đây là những sản phẩm sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y, còn những tấm chắn, kính chắn được bán trên thị trường thì chưa được kiểm nghiệm về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng có khuyến cáo mọi người không nên chỉ dựa vào tấm chắn che mặt vì chúng không đủ khả năng để bảo vệ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tấm che mặt bằng nhựa có khả năng bảo vệ kém hơn so với mặt nạ tiêu chuẩn (khẩu trang). Việc đeo tấm chắn, kính chắn này chỉ giúp bạn bảo vệ đôi mắt và không chạm vào mặt.
Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn trực tiếp từ nước bọt, mà còn lây qua các đường tiếc xúc trực tiếp như bắt tay, gián tiếp như việc chạm vào các đồ vật có virus SARS-CoV-2… Vì vậy, kính chắn giọt bắn này không thể thay thế được hoàn toàn các biện pháp phòng bệnh 5K đã được ngành y tế khuyến cáo như: Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách…
Nếu đã mua và sử dụng, bạn nên lưu ý rửa tay trước và sau khi tháo kính chắn đồng thời tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng khi tháo và sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất đồng thời vẫn phải đảm bảo việc đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm hiệu quả.
Bs. Lê Thanh Vân
Từ nguồn: suckhoedoisong.vn