Ginkgo Biloba có một lịch sử lâu dài trong điều trị các bệnh về máu và các vấn đề về não bộ, giúp tăng tuần hoàn não, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng nên được coi như chất bảo vệ thần kinh.
Các bác sĩ cũng sử dụng như một thuốc thường quy trong kê toa cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan rối loạn chức năng tuần hoàn não, các rối loạn mạch máu ngoại biên, bệnh Alzheimer, chứng sa sút tâm thần do nhồi máu nhiều lần, ù tai, giảm trí nhớ…
Nhiều người đã chuộng các sản phẩm của ginkgo biloba và xem như là “viên bổ não”, sử dụng thường xuyên hàng ngày, nhất là người lớn tuổi. Ginkgo biloba đôi khi còn được dùng “làm quà” cho bạn bè và những người thân trong gia đình, nhất là quà biếu các cụ già. Trong thời gian gần đây, việc sử dụng ginkgo biloba khá tùy tiện và thiếu những kiến thức cơ bản về sản phẩm này.
Mục lục
Những trường hợp nào không nên dùng các sản phẩm chứa GINKGO BILOBA
Người dị ứng nhạy cảm với Ginkgo biloba
Không dùng cho những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với ginkgo biloba, hoặc các thành viên của gia đình họ bạch quả. Có thể có nhạy cảm chéo gặp ở những người bị dị ứng với gia đình họ urushiols (vỏ xoài, cây thù du, cây thường xuân, cây sồi độc, hạt điều).
Ginkgo biloba có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và tiêu chảy. Dị ứng với bạch quả có thể gây phát ban hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Người đang sử dụng thuốc chống đông
Không dùng Ginkgo biloba cho những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu (warparin, heparin…) hoặc các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipyridamol, ticlopidin…).
Ví dụ: đang dùng Aspirin khi kết hợp cùng Ginkgo Biloba sẽ làm nặng thêm các bệnh lý đường tiêu hóa và làm tăng khả năng xuất huyết như loét dạ dày,… Nếu cần dùng chung thì phải tính toán hàm lượng thật cẩn thận và theo dõi chặt chẽ.
Không nên dùng chung với sản phẩm chứa cafein
Cafein có tác dụng rõ rệt làm mất cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, làm tăng hưng phấn … Tuy nhiên, nếu sử dụng chất này liên tục và kéo dài thì sau giai đoạn hưng phấn là giai đoạn ức chế mệt mỏi. Ngoài ra, cafein còn tác dụng trực tiếp lên cơ tim làm tim đập nhanh, tăng lưu lượng tim và lưu lượng mạch vành…
Nhiều sản phẩm có bổ sung cafein vào SP chứa Ginkgo biloba để hiệp đồng tác dụng nhưng cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ như: căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu… Điều quan trọng là đa số bệnh nhân suy giảm tuần hoàn não là người cao tuổi và thường có những bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, đái tháo đường … Do đó, không nên dùng các sản phẩm có Gingko biloba cùng các sản phẩm chứa cafein; đặc biệt các sản phẩm kết hợp Ginkgo biloba và cafein.
Người tăng nguy cơ chảy máu
Ở một số trường hợp khi sử dụng Ginkgo Biloba đã được báo cáo là có tăng nguy cơ chảy máu, do có yếu tố kích hoạt tiểu cầu, chống đông máu. Một số trường hợp bị xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng (mắt). Do đó, không dùng Ginkgo biloba cho người bị xuất huyết não, người bị rong kinh, người chuẩn bị phẫu thuật, phụ nữ mang thai và cho con bú… Do trong thời kỳ cho con bú vẫn chưa có tài liệu đầy đủ để chứng minh tính an toàn của Ginkgo biloba
Trẻ em
Trẻ nhỏ hơn 6 tuổi cũng không nên dùng Ginkgo Biloba, trong hạt của bạch quả có chứa phenol, chất không có lợi cho trẻ em, chất này kích thích dây thần kinh, niêm mạc đường tiêu hóa và dễ gây các bệnh về da. Cho trẻ ăn quá nhiều hạt quả này, sau 2 – 6 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn nữa là ngộ độc.
Ngoài ra, trong Ginkgo Biloba có thành phần độc tố là ammonocarbonous acid (còn có tên hychocyanic acid, formonitrile). Nó có thể dễ dàng kết hợp với cytochrome oxidase của cơ thể, làm cho hợp chất của tế bào này mất hết hoạt tính, khiến tế bào không thể tiếp nhận oxy. Ở người lớn, một lượng nhỏ độc tố này có thể chịu đựng được, nhưng ở trẻ em hàm lượng này lại gây độc cao, do đó chỉ trẻ em trên 6 tuổi nếu được bác sĩ cân nhắc thì mới được sử dụng.
Ngoài ra, khi sử dụng Ginko Biloba thì nên dùng với hàm lượng từ 40 – 200mg mỗi ngày tùy theo cân nặng, nếu dùng quá liều này sẽ thành liều gây độc. Triệu chứng ngộ độc thường là : ban đầu bệnh nhân sẽ lợm giọng, rồi nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tiếp đến là hoa mắt, váng đầu, bứt rứt khó chịu, co giật, hôn mê, nghiêm trọng có thể tử vong.
Hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều đã đưa ra khuyến cáo không dùng với trẻ em dưới 12 tuổi.