Bệnh Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh cao huyết áp đang là một vấn đề nhức nhối trong ngành y tế hiện nay, được xếp vào nhóm “Kẻ giết người thầm lặng”.

Bệnh Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Năm 2000, 26,4% dân số mắc bệnh cao huyết áp, tương ứng 972 triệu người ( Theo tổ chức Y tế thế giới WHO). Đến năm 2010, tỷ lệ này tăng lên 31,1%, tương ứng 1,39 tỉ người. Gần đây, một thống kê cho thấy số người mắc tăng huyết áp đã tăng đến khoảng 1,64 tỉ vào năm 2017.

Việt nam là một trong số nước có tỷ lệ mắc bệnh cao.Theo thống kê của Hội tim mạch học Việt nam, năm 2005 có 47,3 % dân số trong 8 tỉnh thành ở Việt nam mắc bệnh và ngày càng có xu hướng tăng cao hơn.

Vậy Cao huyết áp là bệnh gì, nguyên nhân do đâu, cách chữa bệnh thế nào và làm cách nào để phòng bệnh?

1. Cao huyết áp là gì?

 Cao huyết áp  (hay còn được gọi là tăng huyết áp ( Hypertension) là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao.

Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.

Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. “Tăng huyết áp nguyên phát” chiếm 90–95% số ca tăng huyết áp, dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). Khoảng 5–10% số ca còn lại (tăng huyết áp thứ phát) có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết.

Tăng huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong: tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mạn, và bệnh động mạch ngoại biên.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Có hai loại cao huyết áp với các nguyên nhân khác nhau:

  • Cao huyết áp vô căn: không có nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp này, tăng huyết áp thường là do di truyền và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới;
  • Cao huyết áp thứ cấp: là hệ quả của một số bệnh như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chữa cảm, cocaine hoặc tiêu thụ rượu quá mức nhất định.

3. Những ai thường mắc bệnh tăng huyết áp?

Bệnh cao huyết áp rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ

3.1. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp?

  • Tuổi tác. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao;
  • Chủng tộc. Huyết áp cao đặc biệt phổ biến hơn ở người da đen, bệnh thường phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng;
  • Lịch sử gia đình. Huyết áp cao có xu hướng di truyền trong gia đình;
  • Thừa cân hoặc béo phì. Cần lưu lượng máu tăng để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô ở người thừa cân có thể làm tăng áp suất máu lên thành động mạch, tương tự những người không hoạt động, người có nhịp tim cao hơn;
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ. Quá nhiều muối, thuốc lá, rượu hoặc quá ít kali, vitamin D là lý do dẫn các bệnh khác và ảnh hưởng đến huyết áp;
  • Các nguyên nhân khác. Stress hay bệnh mạn tính nào đó như bệnh thận, bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

3.2. Phân loại Cao huyết áp

Phân loạiHuyết áp tâm thuHuyết áp tâm trương
mmHgkPammHgkPa
Bình thường90–11912–15.960–798.0–10.5
Tiền tăng huyết áp120–13916.0–18.580–8910.7–11.9
Giai đoạn 1140–15918.7–21.290–9912.0–13.2
Giai đoạn 2≥160≥21.3≥100≥13.3
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc≥140≥18.7<90<12.0
Nguồn: Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (2003).

Tăng huyết áp được chia thành các phân loại như tăng huyết áp giai đoạn I, tăng huyết áp giai đoạn II, và tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

 Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là khi huyết áp tâm thu tăng đi kèm với huyết áp tâm trương bình thường ở người lớn.

Cơ sở phân loại tăng huyết áp được thực hiện dựa vào con số huyết áp trung bình lúc nghỉ của bệnh nhân được lấy sau hai hay nhiều lần đo bất kỳ. Các cá nhân có tuổi lớn hơn 50 được phân loại là có tăng huyết áp nếu huyết áp tâm thu của họ luôn luôn ở mức thấp nhất là 140 mm Hg hay là 90 mm Hg đối với huyết áp tâm trương. Những bệnh nhân có huyết áp cao hơn 130/80 mm Hg và các bệnh đái tháo đường hay bệnh thận cần phải được chữa trị.

 4. Triệu chứng của bệnh cao huyết áp

Đau đầu, choáng và chóng mặt có thể là triệu chứng của người bị cao huyết áp.

Các chỉ số huyết áp tăng tùy theo giai đoạn bệnh, ngoài ra có thể còn có các triệu chứng sau:

  • Đau đầu
  • Chảy máu mũi
  • Xuất hiện vệt máu bên trong mắt
  • Thấy tê hoặc ngứa râm ran ở các chi: Buồn nôn và nôn.
  • Choáng và chóng mặt

5. Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp

Máy đo huyết áp là thiết bị dùng để chẩn đoán tình trạng huyết áp. Thiết bị này gồm một dải cao su bơm hơi được đặt xung quanh cánh tay bạn khi đo huyết áp. Thông thường, bác sĩ sẽ đo huyết áp 2-3 lần ở cả hai cánh tay và khoảng 3 lần khác nhau trước khi chẩn đoán bệnh huyết áp cao.

 Khi đo, huyết áp sẽ có bốn loại chính:

  • Huyết áp bình thường. Huyết áp dưới 120/80 mmHg là bình thường;
  • Tiền cao huyết áp. Tiền cao huyết áp là khi huyết áp tâm thu dao động 120-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89 mmHg. Tiền cao huyết áp có nguy cơ tiến triển thành bệnh nếu không điều trị kịp thời;
  • Cao huyết áp giai đoạn 1. Khi huyết áp tâm thu dao động 140-159 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 90-99 mmHg;
  • Cao huyết áp giai đoạn 2. Đây là giai đoạn nặng hơn của bệnh khi huyết áp tâm thu là 160 mmHg hoặc cao hơn hoặc huyết áp tâm trương là 100 mmHg hoặc cao hơn.

Dạng tăng huyết áp phổ biến ở những người trên 60 tuổi là cao huyết áp tâm thu đơn độc, huyết áp tâm thu cao (lớn hơn 140 mmHg) trong khi đó huyết áp tâm trương bình thường (ít hơn 90 mmHg).

6. Biến chứng của Cao huyết áp

6.1. Tăng huyết áp gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng của tăng huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Bệnh tiến triển thầm lặng kéo dài, ít thấy các triệu chứng lâm sàng.

Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực trên thành động mạch nuôi tim. Lâu ngày tạo thành mảng xơ cứng khiến lớp vỏ thành động mạch bị xơ vữa. Khi có mảng xơ vữa, áp lực dòng máu lớn sẽ dễ gây bong, vỡ mảng xơ vữa. Các mảng này sẽ di chuyển trong lòng mạch, làm bít tắc lòng mạch. Hơn nữa, mảng xơ vữa bong ra cũng là một yếu tố dẫn đến hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim.

6.2. Nguy cơ mù lòa do tăng huyết áp

Huyết áp tăng cao làm tổn thương những mạch cung cấp máu cho võng mạc, dẫn đến tổn thương các tế bào của võng mạc, gây giảm thị lực. Thông thường, bệnh nhân không tự phát hiện được các triệu chứng sớm của bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp (có thể có một số triệu chứng đi kèm như đau đầu và các rối loạn về thị lực). Các dấu hiệu tổn thương chỉ được phát hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ dùng đèn soi đáy mắt, kiểm tra mặt sau của nhãn cầu để xác định dấu hiệu của bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

6.3. Suy tim do tăng huyết áp

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ trên tổng số 392 người: 90% số trường hợp suy tim có tiền sử tăng huyết áp.  Khi “kẻ giết người thầm lặng” – biến chứng tăng huyết áp thành suy tim, hậu quả sẽ khôn lường, người bệnh thậm chí khó bảo toàn tính mạng.

Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch luôn tồn tại một mối quan hệ mật thiết. Nếu kiểm soát tốt và điều trị hiệu quả tăng huyết áp có thể giảm tới 50% nguy cơ mắc suy tim ở người bệnh. Có thể khẳng định, suy tim chính là một trong những hệ lụy đáng báo động của bệnh tăng huyết áp.

6.4. Tăng huyết áp gây tổn thương thận – Suy thận

Khoảng 50% bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân là do bệnh của thận. Ngược lại, khoảng 10% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ là do tăng huyết áp nguyên phát. Thận vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân của tăng huyết áp. Liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh lý thận tạo nên một vòng xoắn bệnh lý, người ta hy vọng bẻ gãy vòng xoắn này bằng điều trị tăng huyết áp sớm và có hiệu quả, nhưng điều này là rất khó.

6.5. Đột quỵ do tăng huyết áp

Đột quỵ (stroke) do tăng huyết áp hay thường được gọi là tai biến mạch não do tăng huyết áp là một thuật ngữ chung để chỉ các bệnh do tắc mạch não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não). Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.

Tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột quỵ. Các nhà y học đã coi Tăng huyết áp như kẻ giết người thầm lặng. Ở người tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này.

7. Các phương pháp điều trị bệnh cao huyết áp

7.1. Điều trị bằng thuốc tây y

Một trong những cách điều trị tăng huyết áp là sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau đến khi cơ thể người bệnh chấp nhận thuốc điều trị cao huyết áp phù hợp:

  • Thuốc ức chế Beta: Có tác dụng làm giãn động mạch và giúp tim đập chậm hơn, ít gây áp lực lên tim. Hiệu quả của thuốc là làm giảm áp lực máu bơm qua động mạch ở mỗi nhịp tim và chặn một số nội tiết tố trong cơ thể khiến huyết áp tăng;
  • Thuốc lợi niệu: Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp là do lượng muối cao và lượng chất dịch trong cơ thể bị dư thừa. Thuốc lợi niệu điều trị tăng huyết áp có tác dụng đào thải muối và lượng chất dịch dư ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, giúp hạ áp lực lưu lượng máu;
  • Chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin: Angiotensin là hóa chất khiến thành động mạch và mạch máu co hẹp lại. Thuốc có tác dụng ức chế men chuyển sinh chất angiotensin ngăn không cho cơ thể sản sinh quá nhiều loại hóa chất này, nhờ đó mà giúp giảm áp lực máu và mạch máu giãn. Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin ngăn không cho chất Angiotensin gắn vào các thụ thể của nó gây ra tác động co mạch.
  • Thuốc chặn Canxi: Loại thuốc điều trị tăng huyết áp này có tác dụng chặn 1 số gốc canxi thâm nhập vào cơ tim làm giảm áp lực từ tim và giảm chỉ số huyết áp;
  • Thuốc chặn Alpha-2: Thuốc này có tác dụng giảm huyết áp và giãn mạch máu. Cơ chế của loại thuốc này là làm thay đổi xung thần kinh mà gây co mạch máu, từ đó làm thư giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp hiệu quả.

7.2. Điều trị bằng Thuốc Đông y

Theo Đông y, cao huyết áp là một bệnh thuộc các tạng can, tâm, tỳ, thận bất điều hòa mà sinh ra bệnh. Ngoài ra, những người béo phì hay cholesterol cao cũng có nguy cơ bị cao huyết áp. Với Đông y, việc trị bệnh là đi tìm nguyên nhân phát xuất bệnh tật và loại bỏ nguyên nhân đó.

Một số bài thuốc Đông y điều trị cao huyết áp hữu hiệu như: Thanh giáng thang, tiêu bì ba cô thang, tả quy hoàn, dục âm trợ dương tháng.

 7.3. Thuốc nam trị bệnh cao huyết áp hiệu quả tại nhà

Một số bài thuốc nam trị cao huyết áp hiệu quả từ những cây thuốc quen thuộc, dễ tìm ngoài đời sống như: Giảo cổ lam, cây xạ đen, cỏ mần trầu, chè dây, dây thì canh. Người bệnh có thể tự sắc thuốc tại nhà, đun lấy nước uống

7.4. Thay đổi lối sống

Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp cần tránh như thuốc lá, rượu, trà, cà phê. Cần tạo một lối sống điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, kết hợp với tập luyện thể dục thích hợp. Hạn chế các thức ăn có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, mỡ động vật. Thay đổi lối sống đã chứng minh bình ổn được huyết áp.

Cần hạn chế natri trong chế độ ăn. Chế độ ăn nhiều natri là một nguy cơ của tăng huyết áp. Giảm lượng natri ăn vào làm giảm được tình trạng giữ dịch và làm giảm tính nhậy cảm của thành mạch với cathecolamin, vì vậy có tác dụng làm giảm huyết áp.

Người bệnh cao huyết áp nên ăn các loại rau xanh, táo, các loại cá, sữa chua, sữa tách béo góp phần giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Tham khảo nguồn timcare.vn/