Clarithromycin, Simvastatin là hai thuốc quen thuộc được sử dụng trong điều trị rất phổ biến hiện nay và đã có trong danh mục thuốc bảo hiểm từ lâu. Nhiều Dược sĩ đã biết Simvastatin là thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như suy gan, suy thận và tiêu cơ vân cấp nhưng ít ai ngờ là những tác dụng này nặng hơn gấp nhiều lần nếu vô tình không khai thác kỹ bn đã và đang có uống thuốc có chứa kháng sinh Clarithromycin hay chưa.
Clarithromycin (biệt dược: Acem 250, AsiClarithromycin 250mg, Baxpel 250) là kháng sinh thuộc nhóm macrolid được chỉ định trong nhiễm khuẩn đường hô hấp; nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình da, mô mềm, viêm tai giữa; diệt Helicobacter pylori trong bệnh viêm loét Dạ dày – Tá tràng.
Simvastatin (biệt dược: Athenil 10mg, Elifat, Intas Simtas 10) có tác dụng làm hạ Cholesterol và Triglycerid máu thuộc nhóm Statin, ngoài ra cũng làm hạ nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các biến chứng tim mạch khác ở người đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Tuy nhiên, chính sự phổ biến trong điều trị của hai thuốc mà các nhà thuốc dễ vô tình phối hợp với nhau nếu không được tìm hiểu về cặp tương tác thuốc này. Hậu quả sẽ là tác dụng phụ của Simvastatin bị tăng lên rất nhiều lần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
1. Hậu quả: Tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của Simvastatin như phá hủy tế bào gan, tiêu cơ vân cấp, suy thận cấp và tử vong
2. Mức độ ý nghĩa: Nghiêm trọng
3. Thời gian khởi phát: Vài ngày sau khi sử dụng Clarithromycin
4. Cơ chế: Tương tác dược động học, Clarithromycin ức chế enzym CYP450 3A4 là enzym chuyển hóa Simvastatin tại gan, làm tăng Simvastatin huyết tương gây quá liều.
5. Xử trí:
- Không dùng đồng thời hoặc sau khi dùng Clarithromycin
- Có thể thay bằng Fluvastatin, Pitavastatin và Rosuvastatin do các thuốc này không chuyển hóa qua CYP3A4
- Dừng ngay thuốc và báo cáo với bác sĩ nếu như bệnh nhân có các dấu hiệu đau cơ, mệt, tăng nhạy cảm, nước tiểu sẫm màu.
6. Ghi nhận TT khác trong cùng nhóm:
- Clarithromycin Vs Atorvastatin, Lovastatin, pravastatin (AUC tăng 2 lần).
- Simvastatin Vs Erythromycin, Roxithromycin, Telithromycin.
7. Tài liệu tham khảo:
[1] Dược thư Quốc gia VN
[3] Drug interation facts
[4] Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định.