Nhiệt miệng là tình trạng vô cùng phổ biến trong đời sống của chúng ta. Rất dễ để gặp hơn 1-2 người nhiệt miệng trong số 10 người đang quanh bạn. Những người hay bị nhiệt miệng nên coi đây là một bệnh lý cần sớm điều trị và tránh được những cơn đau rát do tình trạng này gây ra. Vậy, khi bị nhiệt miệng, nên dùng thuốc gì?
Mục lục
Phân biệt nhiệt miệng và các bệnh viêm nhiễm ở miệng khác
Nhiệt miệng là vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như môi, bên trong má, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu, tên gọi khoa học là aphthous ulcer (loét áp-tơ). Thông thường vết nhiệt miệng có màu trắng hoặc vàng, viền đỏ, có dạng hình tròn hoặc bầu dục.
Khi các vết nhiệt miệng tái đi tái lại, hoặc kéo dài trên 2 tuần, xuất hiện cùng các triệu chứng khác như sốt, nổi hạch, rối loạn tiêu hóa hoặc các triệu chứng khác trên da và niêm mạc ở vị trí khác thì sẽ cần được cân nhắc chẩn đoán để phân biệt với các bệnh lý khác.
Bởi điều cốt yếu là aphthous ulcer lành tính thì có xu hướng loét nhỏ, loét nông và tự giới hạn, tự lành khác với các bệnh nghiêm trọng hơn như suy giảm miễn dịch mắc phải do Herpes, bệnh tự miễn, bệnh lý huyết học ác tính, ung thư biểu mô hầu họng.
– Vết loét miệng do nguyên nhân nhiễm trùng cần được đặt ra khi người bệnh có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh cơ hội (như Herpes). Bệnh Herpes môi còn được gọi là mụn nước sốt (hay sốt vỉ), là những vết phồng rộp nhỏ thành từng đám trên môi và xung quanh miệng. Bệnh Herpes môi gây ra do virus Herpes simplex (HSV). Vùng bị phồng có thể vỡ, dịch trong chảy ra ngoài và sau đó đóng vảy sau vài ngày. Tuy nhiên, vết thương thường tự lành trong khoảng vài ngày tới 2 tuần và cũng có thể điều trị tại nhà.
– Bệnh tự miễn: Một số bệnh tự miễn có thể sinh ra các vết loét miệng lành tính, nhưng hay tái phát và xuất hiện cùng lúc với các vết loét niêm mạc ở vị trí khác trên cơ thể. Như hội chứng Behçet là một bệnh viêm mạch máu tự miễn, gây ra loét miệng tái phát và loét ở bộ phận sinh dục, viêm màng bồ đào và loét sinh dục. Lupus ban đỏ vừa gây loét miệng vừa gây ra hàng loạt các triệu chứng toàn thân khác (hồng ban cánh bướm, tổn thương da, tổn thương thận, tổn thương khớp, thiếu máu…).
– Bệnh lý huyết học ác tính hay ung thư biểu mô hầu họng cần được xem xét khi đánh giá vết loét miệng tái phát hoặc chậm lành. Sốt, nổi hạch là các triệu chứng thường xuất hiện trong những giai đoạn này. Bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm công thức máu nếu sốt và loét miệng thường xuyên xảy ra cùng nhau. Sinh thiết vết loét sẽ giúp xác định đúng tình trạng bệnh.
Các phương pháp điều trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả
Mặc dù nhiệt miệng là một bệnh lành tính. Tuy nhiên, việc chịu đựng cảm giác đau đớn trong suốt thời gian vết loét tồn tại là một trải nghiệm không hề dễ chịu. Các vết loét do nhiệt miệng ảnh hưởng đến việc ăn uống, giảm hấp thu dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng lại là một vòng xoáy khiến vết loét lâu lành, có khi vết nhiệt miệng này vừa lành thì vết khác lại chớm trổ ra.
Nhiệt miệng thường xảy ra ở những người làm việc căng thẳng, người lớn tuổi và trẻ em, đây cũng là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi mắc phải, cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, chúng ta cũng nên biết đến các biện pháp điều trị đơn giản – hiệu quả để giải quyết nhanh chóng những vết loét nhiệt miệng lành tính:
Dùng gel bôi nhiệt miệng
Gel bôi nhiệt miệng bám tốt, giảm đau nhanh chóng, hiệu quả, an toàn cho người lớn lẫn trẻ em nhờ một số thành phần chính như: dịch chiết hoa cúc, Lidocaine…
Với các vết nhiệt miệng lành tính, các thuốc bôi tại chỗ rất có hiệu quả, giúp giảm đau nhanh, tăng tốc độ lành vết loét, đặc biệt có lợi với đối tượng nhạy cảm là trẻ em và người lớn tuổi.
Tăng sức đề kháng
Việc bổ sung các vitamin và khoáng chất rất có lợi trong điều trị và dự phòng nhiệt miệng. Kẽm, vitamin C, vitamin B phức hợp và lysine dùng đường uống có thể làm tăng tốc độ chữa lành khi tổn thương chớm bắt đầu.
Echinacea (hoa cúc tím), nước ép cà rốt, cà chua, khế, cần tây, trà xanh, mật ong, nghệ, nước cỏ mực, lá rau ngót và dưa đỏ cũng đã được báo cáo là các chất bổ sung hữu ích.
Phương pháp giảm đau tại chỗ
Khi tình trạng nhiệt miệng không quá nghiêm trọng, bạn có thể giảm nhanh bằng các phương pháp sau:
– Sử dụng nước súc miệng tự làm với công thức: Hỗn hợp nước súc miệng từ baking soda, nước ép lô hội và nước ấm. Súc miệng liên tục trong 10 giây.
– Chườm lạnh bằng đá, dùng gạc hay vải mềm bọc viên đá nhỏ chườm vào vết loét.
– Sử dụng trà. Dùng trà túi lọc đã thấm nước đắp vào vết thương, chất tannin có trong túi trà có tác dụng làm giảm cơn đau và giảm viêm.
Nhiệt miệng: Khi nào cần dùng kháng sinh, kháng viêm?
Song song đó, cũng cần phải biết khi nào thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ cho chỉ định sử dụng các thuốc “mạnh tay” hơn (các thuốc kê toa) đối với các vết loét miệng nặng.
Chỉ định dùng kháng sinh: Đối với các vết loét miệng nặng, loét miệng dai dẳng, đối tượng nguy cơ cao (như người bị suy giảm miễn dịch mắc phải, sử dụng corticoid lâu ngày, hóa trị…), có bằng chứng loét nhiễm trùng hay nghi ngờ khả năng nhiễm trùng, kháng sinh có thể dùng tại chỗ (thoa, ngậm trong miệng, súc miệng) hay kháng sinh đường toàn thân (kháng sinh uống).
Thuốc kháng viêm: Chế phẩm corticosteroid có chứa hydrocortisone acetonide hemisuccinate hoặc triamcinolone là thuốc kháng viêm mạnh, hiệu quả với giảm đau nhanh và tăng tốc độ chữa lành trong điều trị loét nặng. Tuy nhiên, tồn tại nguy cơ nhiễm nấm thứ phát khi dùng thuốc súc miệng có chứa steroid.
Đồng thời, steroid toàn thân thường không được khuyến cáo trong điều trị loét miệng, vì tăng đáng kể biến chứng toàn thân hơn là lợi ích mang lại. Sử dụng chế phẩm corticoid phải có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng các chế phẩm có chứa nitrat bạc chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời nhưng không giảm thời gian lành vết loét, và ở trẻ em nó có thể gây ra sự đổi màu răng nếu răng vẫn còn đang phát triển.
Nguồn: Sức khỏe Đời sống