Vitamin C thường được xem là vitamin của sức đề kháng, vitamin phòng bệnh. Vậy thực hư về hiệu quả của Vitamin C là như thế nào? Dùng Vitamin C như thế nào là an toàn và hiệu quả?
Hiện nay, không có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị bệnh do virus, giải pháp điều trị những người nhiễm bệnh hoàn toàn là điều trị triệu trứng. Bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thực hiện dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh là giải pháp cơ bản để nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của virus và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã tự mua và sử dụng vitamin C, đặc biệt là vitamin C liều cao nhằm mục đích phòng bệnh COVID-19. Việc đó, có thực sự đúng hay không?
Tăng đề kháng là cứ uống vitamin C?
Vitamin C có tên khoa học là acid ascorbic, nó tham gia vào quá trình tạo kẹo (hình thành collagen), tổng hợp Carnitin, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa hormon, khử độc, là chất chống oxy hóa, giúp hấp thu và sử dụng sắt, calci và acid folic. Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid. Vitamin C cần cho chuyển đổi thành acid mật, liên quan đến giải độc.
Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào khác nhau trong cả hệ thống miễn dịch. Nó hỗ trợ chức năng hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh và thúc đẩy hoạt động quét oxy hóa của da. Nhờ vậy nó giúp bảo vệ chống lại sự oxy hóa của môi trường.
Vitamin C có mặt trong các tế bào thực bào như tế bào bạch cầu trung tính và có khả năng tăng cường thực bào, tạo ra các loại oxy phản ứng và cuối cùng là tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời nó cũng cần thiết cho quá trình chết tế bào được lập trình và giải phóng bạch cầu trung tính đã được sử dụng khỏi các vị trí bị nhiễm khuẩn bởi đại thực bào, do đó làm giảm hoại tử và tổn thương mô tiềm ẩn.
Vai trò tăng cường tăng chức năng miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu của Vitamin C chưa được nghiên cứu hoàn toàn rõ ràng tuy nhiên, thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể. Hơn nữa, việc bổ sung vitamin C dường như có thể ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và hệ thống. Việc dự phòng nhiễm trùng đòi hỏi phải bổ sung vitamin C vào chế độ ăn uống.
Bổ sung vitamin C thế nào là đúng?
Vitamin C là một vitamin tan trong nước, được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm được sử dụng hằng ngày. Rau quả là nguồn cung cấp vitamin C và caroten cho cơ thể, rau còn cung cấp các chất khoáng có tính kiềm như kali, can xi, magie. Hoa quả tươi và rau lá là nguồn cung cấp rất giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, soài, đủ đủ, nhãn, hành lá, cà chua, cải xanh, mồng tơi, rau ngót, dền,… Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam năm 2017, thì hàm lượng vitamin C có trong 100 gam thực phẩm ăn được như sau: cam (40mg), quýt (55mg), chanh (77mg), bưởi (95mg), quả kiwi (92.7mg), xoài chín (30mg), đủ đủ (54mg), nhãn (58mg), hành lá (60mg), cần tây (150mg), cà chua (40mg), cải xanh(51mg), mồng tơi (72mg), rau ngót (53mg), rau giền đỏ (89mg),… Hơn 90% lượng vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ.
Nhu cầu về vitamin C: trẻ từ 6-11 tháng là 25-30mg/ngày, trẻ từ 1-6 tuổi là 30mg/ngày, trẻ từ 7-9 là 35mg/ngày, tuổi vị thành niên 10-18 tuổi là 65mg/ngày, người trưởng thành là 70mg/ngày, phụ nữ có thai là 80mg/ngày, bà mẹ cho con bú là 95mg/ngày. Việc ăn rau quả hàng ngày vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Nên ăn phối hợp nhiều loại rau quả để có đủ các loại vitamin và chất khoáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa và hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu thụ rau quả là từ 400 – 600 g/ngày/người trưởng thành (rau xanh 300 – 400g, quả chín 100 – 200g/người/ngày), với trẻ em cần lượng từ 100 – 200g/trẻ/ngày.
Hàng ngày, cơ thể ăn đủ nhu cầu rau xanh và hoa quả chín thì không cần bổ sung thêm vitamin C. Vì vậy, người tiêu dùng không thiết phải uống vitamin C, đặc biệt là vitamin C liều cao để phòng bệnh Covid-19. Nếu cơ thể tiêu hóa và hấp thu kém thì có thể bổ sung vitamin C, khi bổ sung vitamin C theo liều lượng và thời gian sử dụng phải tuân thủ chỉ định của bác sỹ. Vitamin C là loại tan trong nước, nếu thừa vitamin C thì cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, tuy nhiên một số trường hợp bổ sung quá liều có thể dẫn đến sỏi thận; Bệnh nhân có vấn đề vể tăng huyết áp không được dùng Vitamin C dạng sủi vì hàng lượng natri trong dạng bào chế này có thể làm tăng huyết áp khi uống và gây nguy hiểm.
Thời điểm uống vitamin C để hấp thu tốt nhất là uống vào cùng bữa ăn. Nguyên nhân là do vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên, với trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Đặc biệt, không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.
Vitamin C có nhiều đóng góp cho việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các yếu tố bệnh tật. Tuy nhiên đây là một giải pháp nền tảng, mang tính lâu dài chứ không có hiệu quả một cách nhanh chóng, do đó mỗi người cần có ý thức về việc bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn hằng ngày một cách hợp lý và đều đặn thay vì tự ý sử dụng vitamin C liều cao trong giai đoạn dịch bệnh có diễn biến phức tạp mà tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Và cũng nên nhớ rằng, không có một dưỡng chất hay một thực phẩm nào là toàn diện, do đó một chế độ ăn đa dạng và cân đối là vô cùng cần thiết cho cơ thể cũng như hệ thống miễn dịch, đề kháng.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống