Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong số các biến chứng mạn tính của đái tháo đường thì loét bàn chân do đái tháo đường và cắt cụt chi là những nguyên nhân trực tiếp đe dọa sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Bên cạnh đó còn làm ảnh hưởng nặng nề đến gia đình người bệnh và toàn xã hội.
Người bệnh bị loét chân do đái tháo đường có tỷ lệ nhập viện cao và có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần so với người mắc đái tháo đường không bị loét chân. Tỷ lệ này giảm 20% nếu các tổn thương bàn chân được phát hiện và điều trị sớm.
Bên cạnh đó các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cũng cần thay đổi một số thói quen hoặc tạo cho mình những thói quen lành mạnh sau để giúp tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn hoặc giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao:
– Tránh đi chân trần, đi tất mà không có giày dép hoặc dép có đế mỏng dù ở nhà hay ra ngoài.
– Không mang giày quá chật, có cạnh thô hoặc có đường may nổi không bằng phẳng.
– Kiểm tra bằng mắt và cảm nhận bằng tay bên trong giày trước khi mang chúng vào.
– Mang tất ngắn/tất dài không có đường may nổi (hoặc có đường may từ trong ra ngoài); không mang tất chật hoặc tất cao đến đầu gối (chỉ nên mang tất áp lực khi có chỉ định của chuyên gia chăm sóc chân), thay tất hàng ngày.
– Rửa chân hàng ngày (với nhiệt độ luôn dưới 37 độ C) và lau khô cẩn thận, đặc biệt là khoảng cách kẽ giữa các ngón.
– Không sử dụng bất kỳ loại máy sưởi hoặc chai nước nóng để làm ấm chân.
– Không sử dụng các tác nhân hóa học hoặc thạch cao để loại bỏ vết chai sần.
– Đối với da khô có thể sử dụng các chất làm mềm, nhưng không được bôi vào khoảng kẽ giữa các ngón chân.
– Cắt móng chân tạo thành đường cắt ngang và tránh cắt hai bên hoặc quá ngắn
– Kiểm tra chân thường xuyên, hàng ngày xem có bị nứt da, phồng rộp, sưng tấy hoặc mẩn đỏ hay không