Ho và một số loại thuốc thường dùng để điều trị

Ho là một triệu chứng mà bất kỳ ai cũng đã từng gặp phải. Nó không gây ra những biến chứng nghiêm trọng nhưng ho nhiều khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vậy ho là gì và dùng thuốc như thế nào là hợp lý?

Ho và một số loại thuốc thường dùng để điều trị

1. Ho là gì?

Ho là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm đẩy ra ngoài những chất tiết của phế quản khi hệ thống tiêu mao làm sạch chất nhầy bị biến đổi hay quá tải. Ho cũng là một trong những triệu chứng của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như nhiễm lạnh, viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi.

Thông thường không nhất thiết phải điều trị triệu chứng ho. Tuy nhiên nếu để ho nhiều quá thì sẽ gây tổn thương các mao quản, mệt mỏi và có thể gây khó thở. Trong những trường hợp cần thiết, phải làm dịu bằng các thuốc giảm ho kèm theo chăm sóc mũi họng, điều trị bằng kháng sinh khi có nhiễm trùng và điều trị các nguyên nhân khác.

2. Một số lưu ý khi điều trị ho

Không nên dùng thuốc ho quá lâu (thường chỉ dùng vài ngày) vì thuốc ho chỉ là thuốc điều trị triệu chứng. Cơ chế tác dụng của thuốc chống ho là ức chế trung tâm ở hành tủy, giảm kích thích dây thần kinh và các vùng có liên quan.

Thuốc ho thường dùng bao gồm các chế phẩm của codein, thuốc phiện, codethilin, narcotin và một số chất tổng hợp khác. Trong điều trị ho, thường kết hợp với các thuốc long đờm như natri benzoat, terpin, bromhexin, ambroxol, N-acetylcystein. Các thuốc chống hen có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, mở rộng đường dẫn khí để dễ thở hơn. Một số thuốc điều trị hen bao gồm salbutamol, terbutalin, isoprenalin…

3. Một số loại thuốc thường gặp

3.1. Codein (Terpin codein)

Có tác dụng ức chế trung tâm ho nên làm giảm ho, giảm các phản xạ kích thích gây ho. Codein qua được nhau thai và một phần nhỏ qua hàng rào máu não. Chủ yếu được dùng làm thuốc chữa ho. Là thuốc độc bảng B, có thể gây nghiện, sử dụng dài ngày có thể gây táo bón.

Một số tác dụng phụ thường gặp như đau đầu, chóng mặt, khát và có cảm giác khác lạ, cảm thấy buồn nôn, nôn, táo bón, bí tiểu, tiểu ít, mạch nhanh/chậm, hồi hộp, yếu mệt, hạ huyết áp tư thế đứng. Chống chỉ định cho trẻ dưới 1 tuổi, người bị bệnh gan và suy hô hấp.

Liều dùng cho ho khan:

  • 10-20mg/lần, 3-4 lần/ngày, không quá 120mg/ngày.
  • Trẻ từ 1-5 tuổi, mỗi lần 3mg, 3-4 lần/ngày, không quá 12mg/ngày.
  • Trẻ từ 5-12 tuổi, mỗi lần 5-10mg, 3-4 lần/ngày, không quá 60mg/ngày.

3.2. Dextromethorphan

Có tác dụng ức chế trung khu ho, làm giảm phản xạ ho, không gây ngủ, không ảnh hưởng tới như động ruột và tiết dịch đường hô hấp, tác dụng giảm ho có phần mạnh hơn codein nhưng ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Hiệu quả nhất trong điều trị ho mạn tính không có đờm. Một số tác dụng phụ có thể gặp như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, co thắt phế quản, dị ứng da.

Chỉ định cho ho do nhiều nguyên nhân như ho do kích ứng, viêm nhiễm đường hô hấp, do phản xạ… Chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai/cho con bú, bệnh nhân đang dùng IMAO.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 30mg/lần, cách 6-8 giờ, tối đa 120mg/ngày.
  • Trẻ 6-12 tuổi: 15mg/lần, cách 6-8 giờ, tối đa 60mg/ngày.
  • Trẻ 2-6 tuổi: 7.5mg/lần, cách 6-8 giờ, tối đa 30mg/ngày.

3.3. Bromhexin

Có tác dụng làm lỏng dịch tiết phế quản, khí quản, làm dễ khạc đờm, dịu ho. Bromhexin giúp phân hủy các mucoprotein, cắt đứt các sợi cao phân tử, làm điều biến hoạt tính của các tế bào chất nhầy, thay đổi cấu trúc chất nhầy, giảm độ nhầy nhớt. Thuốc có thể thẩm thấu qua dịch não tủy và nhau thai, có khả năng được bài tiết trong sữa mẹ.

Chỉ định cho viêm cấp và mạn tính ở thanh quản, khí quản, phế quản, phổi. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú. Thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân bị loét dạ dày.

Không dùng cùng với thuốc làm keo đờm như atropin. Dạng bào chế bromhexin hydroclorid không trộn với những chất có tính kiềm vì sẽ gây tủa. Dùng chung với kháng sinh như amoxicillin, cefuroxime, erythromycin, doxycycline khiến nồng độ kháng sinh tăng lên trong nhu mô phổi.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 8mg x ngày 3 lần
  • Trẻ em 6-12 tuổi: 4mg x ngày 3 lần
  • Trẻ em 2-6 tuổi: 4mg x ngày 2 lần

3.4. N-acetylcystein

Có tác dụng làm lỏng dịch nhầy đường hô hấp, làm lành những tổn thương, bảo vệ tế bào gan. Chỉ định làm tiêu nhầy trong bệnh nhầy nhớt, viêm phế quản cấp, phế quản-phổi…, bảo vệ tế bào nhu mô gan khi dùng liều cao paracetamol. Chống chỉ định cho những bệnh nhân có tiền sử hen vì nguy cơ gây co thắt phế quản.

Acetylcystein là chất khử nên không dùng cùng các chất có tính oxy hóa. Không dùng đồng thời với các thuốc ho khác hoặc bất kỳ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản trong thời gian điều trị bằng acetylcystein. Acetylcystein phản ứng với một số kim loại như sắt, niken, đồng và cả với cao su. Dung dịch natri acetylcystein tương kỵ vật lý hoặc hóa học với một số dung dịch kháng sinh penicillin, oxacillin, oleandomycin, amphotericin B, tetracyclin, erythromycin lactobionat, ampicillin nên khi đang dùng một trong các kháng sinh trên thì acetylcystein phải dùng ở dạng khí dung (xịt).

Liều lượng:

  • Khi dùng làm thuốc tiêu nhầy, có thể dùng ở dạng phun mù, cho trực tiếp hay nhỏ vào khí quản dung dịch 10-20% hay dùng đường uống. Đối với thuốc dạng phun mù: Phun 3-5ml dung dịch 20% hoặc 6-10ml dung dịch 10%, 3-4 lần/ngày. Cũng có thể phun 1-10ml dung dịch 20% hoặc 2-20ml dung dịch 10%, cách 2-6 giờ/lần.
  • Uống với liều 200mg, 3 lần/ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi uống 200mg/ngày, chia 2 lần và trẻ từ 2-6 tuổi uống 200mg x 2 lần/ngày.