Ciprofloxacin được dùng khá rộng rãi và có hiệu quả cao trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân của nhà thuốc dù đã tuân thủ đúng liều điều trị mà mãi không khỏi, thậm chí bệnh còn nặng hơn, vậy nguyên nhân do đâu?
Ciprofloxacin (biệt dược: Cinarosip, Cinfax, Cipchem, Cipicin 500mg) là kháng sinh thuộc nhóm Quinolon được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường nhiễm khuẩn đường tiết niệu; nhiễm khuẩn tiêu hoá gồm bệnh lỵ trực khuẩn Shigella, ỉa chảy ở người đi du lịch, viêm ruột do Salmonella và Campylobacter, thương hàn; bệnh lậu, nhiễm khuẩn đường hô hấp trừ viêm phổi do phế cầu, nhiễm khuẩn xương và khớp, nhiễm khuẩn huyết, dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, viêm màng não do não mô cầu…
Calci carbonat, hay các Calci hữu cơ khác được sử dụng trong tình trạng thiếu Calci (còi xương, loãng xương, suy dinh dưỡng) hay tình trạng gia tăng nhu cầu Calci ( ở phụ nữ có thai, trẻ đang lớn, phụ nữ cho con bú)…Nhiều thuốc còn sử dụng Calci carbonat làm tá dược độn để tăng khối lượng của viên.
Đây là hai thuốc được dùng trong điều trị rất phổ biến hiện nay do vai trò thiết yếu và giá thành rẻ. Tuy nhiên, nếu các Dược sĩ không nắm rõ tính chất dược lý của từng thuốc sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả không thể ngờ tới, đó là tương tác thuốc sẽ xảy ra nếu sơ ý phối hợp hai thuốc với nhau. Calci làm giảm 40% sinh khả dụng của thuốc Ciprofloxacin nên làm giảm tác dụng điều trị nhiễm khuẩn. Ion Calci sẽ làm mất tác dụng điều trị của Ciprofloxacin, không những bệnh nhân bị nhiễm trùng không thể khỏi được bệnh mà còn tạo tiền đề cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cao.
1. Hậu quả: Giảm nồng độ trong máu và tác dụng của Ciprofloxacin
2. Thời gian khởi phát: Nhanh
3. Cơ chế: Do Ciprofloxacin tạo phức không tan với ion Ca nên làm cản trở hấp thu Ciprofloxacin
4. Xử trí: Uống Ciprofloxacin trước 2 – 4h hoặc sau 4 – 6h sau khi uống Calci Carbonat
5. Ghi nhận TT khác trong cùng nhóm:
- Ciprofloxacin Vs ion kim loại hóa trị II, III
- Calci Carbonat Vs Kháng sinh nhóm Quinolon.
6. Tài liệu tham khảo:
[1] Dược thư Quốc gia VN
[2] http://www.drugs.com
[3] Drug interation facts
[4] Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định.