Do một số bị cáo và nhiều người liên quan vắng mặt nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ buôn thuốc ung thư giả tại VN Pharma.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, sáng 10/2, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả.
Chủ tọa phiên xử là thẩm phán Võ Văn Khoa, hai thẩm phán cùng HĐXX là Đặng Văn Ý và Đỗ Đình Thanh.
Cơ quan xét xử đã triệu tập gần 200 cá nhân đến phiên xử. Theo đó, tất cả 12 bị cáo của vụ án dù có kháng cáo hay không cũng phải hầu tòa.
Bên cạnh đó, cơ quan xét xử cũng triệu tập các tổ chức giám định và thành viên tổ giám định cùng hơn 180 người liên quan được cấp sơ thẩm xác định theo bản án.
Tuy nhiên, sau phần thủ tục, HĐXX đã quyết định hoãn phiên xử vì một số bị cáo cùng nhiều người liên quan vắng mặt. Phiên xử được dự kiến mở lại vào ngày 9 đến 11/3 này.
Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cho biết, các bị cáo tại ngoại không đến sẽ áp dụng biện pháp tư pháp theo luật định để phiên toà vẫn được tiến hành.
Liên quan đến sự việc, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, trong vụ án này, có 7/12 bị cáo kháng cáo, gồm Võ Mạnh Cường, Nguyễn Tiến Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Loan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Anh Kiệt, Phạm Quỳnh Trang.
Trong đó, bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc công ty TNHH TM Hàng hải Quốc tế H&C) và Phạm Anh Kiệt (cựu Tổng Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn) kháng cáo kêu oan.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường được xác định là chủ mưu cầm đầu, các bị cáo khác là đồng phạm giúp sức cho Hùng, Cường thực hiện hành vi phạm tội. Cường bị tuyên phạt 20 năm tù, Hùng 17 năm tù.
Các bị cáo khác bị tuyên mức án cụ thể như sau: Nguyễn Trí Nhật 12 năm tù; Ngô Anh Quốc 11 năm tù; Phan Xuân Thiện 7 năm tù; Lê Thị Vũ Phương 5 năm tù; Phan Cẩm Loan 7 năm tù; Bùi Ngọc Duy 6 năm tù; Phạm Văn Thông 5 năm tù; Hoàng Trúc Vy 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm tính từ ngày tuyên án; Phạm Anh Kiệt 3 năm tù; Phạm Quỳnh Trang 4 năm tù.
Theo Đời sống Pháp luật