LƯU Ý THỜI ĐIỂM SỬ DỤNG MỘT SỐ NHÓM THUỐC Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Lão hoá ở người cao tuổi liên quan chủ yếu đến giảm dòng máu tuần hoàn đến các cơ quan, dẫn đến giảm dần nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể và đó chính là khởi nguồn của bệnh tật do tuổi tác. Một số nhóm thuốc được người cao tuổi sử dụng thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ra các tác dụng không mong muốn thường gặp ở đối tượng này.

LƯU Ý THỜI ĐIỂM SỬ DỤNG MỘT SỐ NHÓM THUỐC Ở NGƯỜI CAO TUỔI


Nhóm thuốc trị cao huyết áp 

Nên dùng vào buổi sáng để đạt nồng độ đỉnh tại thời điểm vào khoảng 7-8h, khi huyết áp bắt đầu tăng và các biến cố tim mạch có xu hướng dễ xảy ra nhất. Nếu có sự phối hợp các thuốc điều trị cao huyết áp thì nên dùng thêm vào một thời điểm nữa là cuối buổi chiều (khoảng 18h) là thời điểm huyết áp cao nhất trong ngày.

Thuốc hạ lipid máu nhóm statin

(ví dụ như thuốc Atorvastatin, Rosuvastatin, Simvastatin..) Nên uống vào buổi tối để tăng hiệu quả vì ban đêm sự tổng hợp cholesterol diễn ra cao nhất đến 2 giờ sáng.

Thuốc hạ lipid máu nhóm dẫn chất fibrat

(ví dụ như thuốc Fenofibrat) Nên uống ngay sau bữa ăn để tăng sự hấp thu thuốc.

Thuốc chống đông

Nên uống buổi tối để hạn chế những biến cố tắc mạch thường xảy ra vào sáng sớm hôm sau, phù hợp với nhịp sinh học của quá trình đông máu.

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1

(ví dụ như thuốc Clopheniramin) Đôi khi vẫn thấy trong đơn thuốc của người cao tuổi, lưu ý nên dùng vào thời điểm ban đêm hoặc buổi trưa và uống với nhiều nước để khắc phục bớt tính kháng cholin, gây khô tất cả các dịch tiết, gây khô miệng, táo bón, khó tiểu và đặc tính gây buồn ngủ của thuốc nhằm tránh té ngã.

Thuốc nhóm NSAID

(ví dụ thuốc dùng giảm đau, kháng viêm như: Diclofenac, Ibuprofen, Aspirin, Meloxicam…) nên dùng sau ăn để tránh kích ứng, viêm loét dạ dày.

Thuốc bổ máu

Thuốc bổ máu có chứa sắt được hấp thu tốt hơn trong môi trường acid nên dùng kèm với một ít thức ăn trước, rồi uống, điều này để giảm bớt tính kích ứng dạ dày của thuốc và tránh buồn nôn.

Cân nhắc khi bẻ hoặc nghiền thuốc

Do một số người cao tuổi hay có thói quen nhai hoặc do khó nuốt nên thường bẻ hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống, nên cần lưu ý đối với các dạng bào chế đặc biệt có tác dụng kéo dài (các thuốc tim mạch, huyết áp hay đái tháo đường, thuốc có khoảng trị liệu hẹp thường được làm dạng bào chế đặc biệt để kiểm soát tốt 1 lượng thuốc phóng thích vừa đủ trị liệu và ổn định kéo dài tác dụng điều trị suốt 24 giờ) hoặc viên bao tan trong ruột. Các dạng bào chế đặc biệt này được làm với mục đích tránh tác dụng phụ của thuốc và phát huy tối đa tác dụng chính, không nên bẻ hoặc nghiền thuốc khi sử dụng.