Hiện tại, nhãn sản phẩm chứa calci có thể ghi liều dưới dạng calci nguyên tố hoặc muối calci hoặc cả hai. Đã có báo cáo về các trường hợp nhầm lẫn liều ghi trên nhãn, và trong một số trường hợp, việc sử dụng quá liều ngoài ý muốn đã dẫn tới một số bệnh nhân cần nhập khoa Hồi sức tích cực. Điểm tin này chia sẻ một số biến cố nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ do sự thiếu tiêu chuẩn hóa nhãn sản phẩm chứa calci, cũng như đưa ra một số biện pháp để cải thiện thực hành ghi nhãn.
Mục lục
Các biến cố
Trong 3 biến cố riêng lẻ, calci carbonat 1250mg (muối calci cung cấp 500mg calci nguyên tố) được kê cho bệnh nhân xuất viện sau phẫu thuật cắt tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp. Trong mỗi trường hợp, bệnh nhân đã mua sản phẩm có nhãn ghi “calci carbonat 500mg”. Mỗi bệnh nhân đã sử dụng 2,5 viên cho một liều, mà không biết rằng số 500 mg trên mặt chính của nhãn thể hiện liều dùng dưới dạng calci nguyên tố (tức là chỉ 1 viên là đủ liều được kê). Cả 3 bệnh nhân đều được đưa vào khoa hồi sức tích cực để điều trị tăng calci huyết do sử dụng quá liều.
Ở biến cố thứ 4, một nhà thuốc đã mắc sai sót trong việc cấp phát và đóng gói thuốc của một bệnh nhân. Đơn thuốc calci carbonat 1250mg 3 lần một ngày đã được nhà thuốc cấp và đóng gói 2,5 viên cho một liều, do nhãn sản phẩm ghi “calci carbonat 500mg”. Bệnh nhân không gặp tác hại nào, tuy nhiên bệnh nhân đã phải làm thêm một số xét nghiệm máu.
Tổng quan
Calci là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò trong chuyển hóa xương cũng như các quá trình điện hóa sinh lý khác. Liều calci thường được kê hoặc khuyến cáo là 500-1000mg calci nguyên tố để đạt được mức khuyến cáo 1000-1200mg calci nguyên tố hàng ngày cho hầu hết người lớn. Các sản phẩm thực phẩm bổ sung cung cấp calci dưới dạng hợp chất (muối calci), phổ biến là calci carbonat và calci citrat. Calci carbonat chứa 40% calci nguyên tố (viên 1250mg calci carbonat cung cấp 500mg calci nguyên tố), còn calci citrat chứa xấp xỉ 20% calci nguyên tố (viên 1250mg calci citrat cung cấp 250mg calci nguyên tố).
Hiện tại không có quy chuẩn về việc thể hiện liều trong một viên dưới dạng nào trên mặt chính của nhãn sản phẩm. Việc hiểu sai nhãn sản phẩm do thực hành ghi nhãn chưa tốt có thể dẫn tới việc sử dụng quá hoặc dưới liều, và dẫn đến hậu quả có hại. Do một số sản phẩm, bao gồm thực phẩm bổ sung calci, có thể được mua mà không kê đơn từ nhiều cửa hàng bán lẻ hoặc kênh thương mại trực tuyến, nên bệnh nhân có thể không được dược sĩ hỗ trợ khi lựa chọn sản phẩm.
KHUYẾN CÁO
Nhà sản xuất
Thực hiện chuẩn hóa việc ghi nhãn, thể hiện rõ liều dùng dưới cả hai dạng calci nguyên tố và muối calci. Việc này thúc đẩy tính nhất quán trong ghi nhãn, nhằm giảm thiểu nguy cơ dùng sai liều thuốc. Mặt trước nhãn nên ghi rõ hàm lượng dưới cả dạng nguyên tố và dạng muối. Nên thêm bảng thông tin sản phẩm để hạn chế tối đa việc hiểu sai liều lượng.
Dược sĩ
Nếu có thể, chỉ mua và lưu trữ những sản phẩm ghi rõ và chính xác hàm lượng calci ở mặt trước nhãn.
Khi người bệnh hỏi về thông tin sản phẩm chứa calci:
(1) nhắc nhở người bệnh rằng liều calci nguyên tố không giống liều calci dạng muối và đảm bảo họ hiểu đúng liều cần dùng. Nhấn mạnh rằng người bệnh cần hỏi rõ liều calci họ cần dùng được thể hiện dưới dạng nguyên tố hay dưới dạng muối khi họ tiếp xúc với các nhân viên y tế khác.
(2) Hỏi lại người kê đơn để làm rõ đơn thuốc ghi liều dưới dạng calci nguyên tố hay muối calci (và làm rõ là muối gì).
(3) Yêu cầu nhà cung cấp chỉ ra rõ hàm lượng calci nguyên tố đi kèm với thông tin sản phẩm muối calci.
Bác sĩ kê đơn
Trước khi kê đơn hoặc gợi ý sản phẩm, cần chỉ ra cho bệnh nhân về các dạng khác nhau của calci hiện có.
Cung cấp hướng dẫn rõ ràng bằng văn bản cho bệnh nhân, bao gồm hàm lượng calci nguyên tố, muối nên dùng (nếu có), liều lượng và số lần dùng.
Khuyến cáo bệnh nhân tham khảo ý kiến dược sĩ khi chọn sản phẩm chứa calci và tính toán số viên cần dùng để đảm bảo dùng đúng liều khuyến cáo.
Yêu cầu nhà cung cấp phần mềm lưu trữ bệnh án hiển thị cả hàm lượng calci nguyên tố và muối calci trong sản phẩm trên màn hình.
Nguồn: https://www.ismp-canada.org/download/safetyBulletins/2021/ISMPCSB2021-i1-Calcium.pdf