Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan do virus Varicella-zoster gây ra, thường bùng phát vào mùa xuân, thời tiết ấm nồm.
Bệnh gây ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Thủy đậu có thể gây các biến chứng nguy hiểm (bội nhiễm da, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hay viêm màng não…) nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời…
Mục lục
Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị thủy đậu
Sau thời gian ủ bệnh khoảng 10-21 ngày, trẻ khởi bệnh có thể bị sốt, ăn uống kém hơn, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi khó chịu sau đó nổi các ban đỏ, mụn nước trên da toàn thân kéo dài khoảng 5-10 ngày. Trường hợp kín đáo, thường thấy các mụn nước nhiều ở vùng đầu, đặc biệt vùng chân tóc. Các tổn thương phỏng nước rất đa dạng và đa hình thái, cùng lúc có thể nhìn thấy các ban sần đỏ, mụn nước, mụn nước lõm và mụn nước đã vỡ đóng vảy…
Với trẻ khỏe mạnh, đa phần bệnh sẽ không nghiêm trọng. Trong trường hợp nghiêm trọng, mụn nước có thể rất dày toàn bộ cơ thể và các tổn thương có thể ở cổ họng, mắt và niêm mạc của niệu đạo, âm đạo hoặc hậu môn.
Điều trị thủy đậu như thế nào?
Thuốc kháng virus acyclovir: Lưu ý, dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ khi phát bệnh. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu trung bình đến nặng nên được xem xét điều trị như:
- Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn.
- Những người có hệ miễn dịch yếu: Nhiễm HIV, ung thư, điều trị hóa chất, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Tiền sử bệnh về da hoặc bệnh lý mạn tính về tim, phổi.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol): Cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ khi bị sốt cao hoặc đau nhức do thủy đậu, đặc biệt giúp giảm đau khi có các tổn thương ở miệng.
- Thuốc bôi tại chỗ nhằm mục đích chống bội nhiễm da như: Xanh-methylen hoặc Gel ion bạc, chỉ cần bôi những nốt phỏng đã vỡ để làm khô se bề mặt.
Bên cạnh đó, với những trường hợp trẻ ngứa nhiều, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng histamin giúp trẻ giảm ngứa.
Những sai lầm cần tránh
Khi trẻ bị thủy đậu thường ngứa ngáy, khó chịu, nhiều trẻ bỏ ăn do có các tổn thương ở miệng. Do đó, các bậc cha mẹ thường mong muốn chữa cho trẻ nhanh khỏi, tuy nhiên nhiều người đã lựa chọn cách điều trị sai lầm khiến trẻ có thể biến chứng nặng do bội nhiễm da, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hay viêm màng não…
Trước tiên, không được tùy tiện dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm corticoid. Nên nhớ, thủy đậu là bệnh do virus gây ra, kháng sinh không diệt được virus do đó không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị, vừa không mang lại lợi ích gì mà tăng nguy cơ kháng thuốc, vừa chịu tác dụng phụ không đáng có (nếu xảy ra). Thuốc chống viêm corticoid có rất nhiều tác dụng phụ và có thể làm bệnh nặng hơn, tuyệt đối không sử dụng.
Vẫn có nhiều cha mẹ cho con bôi các loại thuốc Nam, tắm nước giã nát từ cây, lá… Đây là việc làm hoàn toàn sai lầm. Điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hoặc dị ứng da nghiêm trọng. Mặc dù bệnh còn có tên dân gian là “trái rạ” nhưng không có bất cứ liên quan gì đến “gốc rơm rạ”, do đó việc tắm cho trẻ bằng nước đun cùng với gốc rạ hay bôi tro rơm rạ cho trẻ không có tác dụng.
Một sai lầm nữa là kiêng tắm, kiêng gió khi trẻ bị thủy đậu. Tuy nhiên, đây là việc làm không cần thiết. Trẻ cần được tắm rửa bình thường, nhưng không chà vỡ mụn nước. Nên nhớ, việc kiêng tắm sẽ làm da trẻ bẩn, dễ bị ngứa, gãi nhiều gây loét da và càng nặng hơn. Ngoài ra, việc kiêng gió mà để trẻ trong phòng kín, tối cũng có thể khó phát hiện các mụn mủ đã bội nhiễm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh mắc thủy đậu, trẻ nên được tiêm chủng thủy đậu và các mũi vắc-xin khác để có sự đề kháng tốt nhất. Đảm bảo cho trẻ và người chăm sóc vệ sinh tay sạch bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt mũi miệng. Khi nhà có trẻ bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần như ôm hôn, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vảy, tránh lây nhiễm cho bạn học, cần vệ sinh đồ dùng, bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh.
Tránh gãi tại các ban mụn nước thủy đậu: Các nốt này rất ngứa, nếu trẻ gãi tại vị trí mụn nước dễ gây nhiễm trùng da do vi khuẩn (dễ để lại sẹo). Nên cắt gọn móng tay cho trẻ, tránh gãi làm tổn thương loét sâu. Đặc biệt lưu ý, không được chọc, trích vỡ các phỏng nước chưa vỡ.
Không cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, tránh ra nhiều mồ hôi tăng cảm giác khó chịu và tăng mức độ ngứa.
Không kiêng ăn uống khi trẻ bị thủy đậu: Việc kiêng khem khiến trẻ thiếu đi nguồn cung cấp dinh dưỡng. Cần đảm bảo dinh dưỡng tốt, ăn đồ lỏng mát: canh, cháo, súp, sinh tố… đặc biệt khi trẻ bị mụn nước thủy đậu trong miệng. Uống đủ nước giúp cơ thể đỡ mệt mỏi do cơ thể dễ mất nước bởi sốt và phỏng nước.
Nguồn: BS. Trần Đồng – Sức khoẻ Đời sống