Thông thường, chúng ta uống thuốc với nước. Ngoài nước ra, nhiều đồ uống khác như sữa, nước chè xanh, cà phê, rượu bia cũng được một số bệnh nhân dùng để uống thuốc. Trong nhiều trường hợp, một số loại đồ uống khác nếu được uống cùng thuốc hoặc uống gần với thời điểm dùng thuốc cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể, tương tác thuốc – đồ uống xảy ra khiến thuốc mất tác dụng hay gây ngộ độc thuốc.
1. Sữa (bản chất là caseinat canxi) có thể cản trở hấp thu thuốc do ion canxi có thể tạo phức với nhiều loại thuốc. Ngoài ra, các lý do khác đó là các protein trong sữa có thể liên kết với một số thuốc có ái lực cao với protein hay là các lipid trong sữa hòa tan thuốc và giữ thuốc lại. Hầu hết các kháng sinh thông dụng hiện nay như erythromycin, tetracyclin đều bị giảm hấp thu khi uống với sữa.
2. Cà phê và chè chứa cafein có thể làm tăng tác dụng giảm đau của các NSAIDs, tăng tác dụng phụ nhức đầu, tăng huyết áp của những bệnh nhân đăng dùng IMAO. Tanin trong chè cũng có thể gây tủa những thuốc chứa sắt hay các alkaloid. Cà phê thì tăng độ hòa tan của ergotamine nhưng cản trở hấp thu các thuốc liệt thần (neuroleptic).
3. Rượu (alcol): ảnh hưởng lên rất nhiều thuốc nên cần chú ý khi dùng thuốc, nhất là những người nghiện rượu/thường xuyên uổng rượu:
– Dùng cùng NSAIDs gây tăng nguy cơ bị viêm loét, chảy máu đường tiêu hóa, dùng cùng paracetamol gây tăng nguy cơ viêm gan.
– Rượu có tác dụng giãn mạch ngoại vi nên uống cùng thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tụt huyết áp đột ngột quá mức cần thiết.
– Bản chất là alcol nên rượu là dung môi tăng độ tan cho những thuốc có hệ số mỡ/nước cao, khiến thuốc hấp thu quá nhanh, nồng độ thuốc trong máu tăng vọt, gây tác dụng đột ngột (nhóm thuốc chẹn beta giao cảm).
– Thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương: benzodiazepine dùng cùng rượu có thể gây thay đổi tâm tính rất mạnh ở ngay liều thường dùng. Thuốc chống động kinh, chống trầm cảm, thuốc ngủ cũng bị ảnh hưởng.
– Các thuốc kháng histamine H1 cũng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên khi dùng với rượu có thể gây tác dụng hiệp đồng ngay cả ở liều thấp. Trong khi đó, các thuốc kháng histamine H2 kìm hãm enzyme ở tiểu thể gan, giảm chuyển hóa rượu, gây nhức đầu, buồn nôn kéo dài.
– Rượu có tác dụng tăng cảm ứng enzyme khi uống kéo dài, làm giảm hiệu quả điều trị của nhiều thuốc do thuốc bị phá hủy nhanh như các sulfamid hạ đường huyết. Nhóm biguanid uống cùng rượu có thể gây acidose lactic.
– Một số thuốc uống cùng rượu gây phản ứng Antabuse (sợ rượu) nếu uống cùng rượu bao gồm isoniazid, metronidazole, cephalosporin, tolbutamid.
Nhìn chung thì không nên uống thuốc với những đồ uống khác ngoài nước vì có thể xảy ra những tương tác dược động học/dược lực học khiến cho thuốc giảm/mất tác dụng, thậm chí còn gây ngộ độc thuốc. Không chỉ đơn giản là tránh dùng những đồ uống kể trên uống trực tiếp với thuốc mà phải quan tâm giữa thời điểm dùng thuốc và thời điểm dùng những loại đồ uống đó để chúng không tiếp xúc với nhau (ví dụ như nếu muốn uống sữa thì uống cách tetracyclin khoảng 3 giờ trước/sau khi uống thuốc).