Khi thời tiết nồm, độ ẩm cao như hiện nay khiến quần áo, chăn màn ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh, đặc biệt là những bệnh nấm ngoài da. Mặc dù bệnh không quá khó để điều trị với các thuốc bôi ngoài da nhưng nếu không chú ý trong khi dùng thì thuốc có thể gây nhiều độc tính và biến chứng cho người bệnh.
Mục lục
Những loài nấm thường gây bệnh lý ngoài da
Bệnh nấm da thường là do các vi nấm thuộc 3 chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum thuộc họ Dermatophytes và nấm Candi albians gây nên. Khi gặp điều kiện thích hợp về độ ẩm, pH, đặc biệt khi hệ miễn dịch của cơ thể người suy yếu, các bào tử nấm có sẵn trong môi trường đất, nước, không khí dễ dàng phát triển thành sợi nấm. Trong quá trình phát triển, sợi nấm tiết ra độc tố gây kích ứng và mẩn ngứa cho da. Triệu chứng ngứa khiến bệnh nhân khó chịu, gãi càng làm lây lan sợi nấm sang những vùng da khỏe mạnh khác hoặc làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và tình trạng viêm da nặng hơn… gây mất thẩm mỹ và phiền toái cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số bệnh nấm da thường gặp bao gồm nấm thân, nấm kẽ (tay, chân), nấm bẹn và nấm móng.
Một số thuốc thường dùng trong điều trị bệnh nấm da
Các thuốc để điều trị nấm da được chia thành 5 nhóm dựa trên cấu trúc hóa học và nguồn gốc:
Nhóm polyen: Có khoảng 200 thuốc thuộc nhóm này, chúng có 4-7 liên kết đôi, một vòng cyclic nội phân tử và có cùng một cơ chế tác dụng. Một số thuốc thông dụng nhất của nhóm này là amphotericin B, nystatin, natamycin…
Nhóm kháng sinh kháng nấm (griseofulvin): Griseofulvin được sinh tổng hợp từ penicillium griseofulvin, bào chế dưới dạng viên, kem bôi ngoài da. Đối với dạng uống hấp thu tốt sau khi ăn bữa ăn giàu chất béo. Thuốc có tác dụng diệt nấm da bằng cách làm thoái hóa nguyên sinh chất, làm rối loạn hệ thống men của tế bào nấm dẫn đến làm ngừng sự phát triển của nấm.
Nhóm các dẫn chất của imidazole (ketoconazole, miconazole, clotrimazole, econazole): Thuốc có tác dụng làm tổn thương nghiêm trọng màng tế bào và làm nấm ngừng phát triển. Với nồng độ cao hơn thuốc có tác dụng diệt nấm.
Nhóm allylamin: Trong nhóm thuốc này thường sử dụng hai chất terbinafin và naftifin để điều trị các bệnh nấm da. Trong đó terbinafin được dùng phổ biến hơn. Thuốc ức chế sinh tổng hợp ergosterol của thành tế bào nấm. Khi bôi vào cơ thể thuốc có nhiều ưu điểm như: phân bố ở cả da, tóc, móng, có tác dụng diệt nấm… dùng trong những trường hợp bệnh nấm nặng thường kết hợp với bệnh thiếu hụt miễn dịch tại chỗ hoặc toàn thân, độ dung nạp và độ an toàn của thuốc cao.
Nhóm dẫn chất fluor của pyrimidin (flucytosine): Có tác dụng với nấm Candidiasis, Cryptococcosis và các tổn thương Chromomycosis nhỏ. Thuốc làm tăng các tác dụng của amphotericin B trong điều trị Asperrgillus và Sporotrichosis ngoại vi. Thuốc có dạng viên nang với các hàm lượng khác nhau.
Những lưu ý khi sử dụng
Những dược chất điều trị nấm trên có cấu trúc hóa học khác nhau, nên các đặc điểm về cơ chế tác dụng, phổ điều trị, khả năng dung nạp, độc tính, chỉ định, chống chỉ định và dạng bào chế cũng khác nhau. Một số thuốc dễ dung nạp, ít độc tính dùng được cả đường toàn thân (uống, ngậm, tiêm) và dùng bôi, đặt tại chỗ. Trong quá trình sử dụng cần lưu ý:
Đối với thuốc bôi: Khi dùng dạng thuốc này để điều trị nấm da, người bệnh cần làm sạch da trước khi bôi để thuốc tiếp xúc trực tiếp với mô tổn thương. Khi bôi nên xoa đều bề mặt da để thuốc ngấm nhanh. Nếu bị bệnh nấm tóc thì cần cắt gọn sạch tóc vùng bị bệnh. Tránh cạo da trước khi bôi thuốc, nếu không dễ dẫn đến dị ứng và nhiễm khuẩn phụ. Ngoài ra, không nên tự ý bôi thuốc không đúng nồng độ và các thuốc có thành phần có hại cho da như axit, pin đèn… và không nên bôi kéo dài ở cùng một vị trí trên da mà không theo chỉ định của bác sĩ hay không tái khám kiểm tra tình trạng bệnh vì nguy cơ gây viêm da và dị ứng.
Đối với thuốc uống: Đây là loại thuốc có tác dụng toàn thân, người bệnh không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà cần theo đơn của bác sĩ, nhất là trong các trường hợp đặc biệt như suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ… Bên cạnh đó, việc dùng thuốc có thể liên quan đến bữa ăn hoặc không thì người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ, dược sĩ.
Chú ý độc tính của thuốc: Với dạng dùng ngoài da, một số thuốc chống nấm gây dị ứng, kích ứng dạng ban, mẩn đỏ. Dạng dùng toàn thân, các thuốc này có thể gây độc tính (hồi phục hoặc không hồi phục) trên đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy), tổn thương gan, trên hệ thần kinh (đau đầu, đau dây thần kinh ngoại vi, nhìn mờ, ngủ lịm hoặc mất ngủ, lẫn…); với hệ tạo máu (giảm tiểu cầu, bạch cầu…). Những tác dụng không mong muốn này gia tăng khi dùng cùng với các thuốc khác có chung kiểu độc tính. Do vậy, khi đi khám bệnh, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả những thuốc đang dùng để có đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và tránh được những tương tác gây độc của thuốc.
Nguồn Sức khỏe Đời sống