<strong>VIÊM XOANG</strong>

1. ĐẠI CƯƠNG VIÊM XOANG

1.1. Định nghĩa.

Là hiện tượng viêm xảy ra ở lớp niêm mạc lót trong lòng các xoang cạnh mũi.

Ở trạng thái bình thường, các xoang được thông khí và dẫn lưu dịch qua các lỗ thông xoang ra mũi. Khi các lỗ thông này bị bít tắc do bất cứ nguyên nhân gì, làm cản trở sự thông khí và dẫn lưu dịch thì sẽ gây ra tình trạng viêm xoang.

1.2. Nguyên nhân.

Nhiễm trùng: Nhiễm virus đường hô hấp trên như Rhinovirus, Influenza, Adenovirus… Nhiễm vi khuẩn thường là bội nhiễm sau nhiễm virus hô hấp, sau viêm mũi, sau viêm họng hoặc sau một nhiễm trùng từ răng 4-5-6 của hàm trên. Vi khuẩn hay gặp là Streptococcus pneumoniae,

Stapylococcus aureus, Streptococcus pyogenes nhóm ABC, Haemophylus influenza, Neisseria catarralis, Streptococcus pyogenes tan huyết alpha (trong viêm cấp) và Bacteroides, Rhinibacterium, Veilonella, các vi trùng kỵ khí như Haemophylus influenzae, Streptococcus viridians và nhiều dạng liên cầu (trong viêm mạn).

Nhiễm nấm: Do bít tắc lỗ thông xoang lâu ngày, do suy giảm miễn dịch… Tác nhân thường là Aspergillus.

Các yếu tố tạo điều kiện cho vi trùng và vi nấm phát triển bao gồm:

Những cản trở bất thường trong hốc mũi: Polype mũi, dị hình vách ngăn, dị hình cuốn mũi, khối u mũi xoang, dị vật mũi, nhét meche mũi.

Sau chấn thương đầu mặt.

Tác nhân lý hóa và ô nhiễm môi trường: Chấn thương do áp lực (bơi lặn, đi máy bay, sóng nổ), hít hơi hóa chất, khói thuốc lá, bụi khói, không khí lạnh khô hoặc sau xạ trị vùng mũi xoang.

Dị ứng mũi xoang: Phản ứng khi tiếp xúc với dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, hơi hóa chất…

Mang gene bệnh xơ nang.

1.3. Phân loại:

Dựa vào thời gian tồn tại của triệu chứng, chia thành 4 loại. Trên thực tế lâm sàng, chỉ đề cập nhiều tới viêm xoang cấp và viêm xoang mạn.

1.3.1 Viêm xoang cấp :

Triệu chứng kéo dài dưới 1 tháng.

1.3.2. Viêm xoang bán cấp :

Triệu chứng kéo dài dưới 3 tháng.

1.3.3. Viêm xoang cấp tái diễn :

Triệu chứng xuất hiện ít nhất là 4 lần trong năm, mỗi lần kéo dài ít nhất là 1 tuần.

1.3.4. Viêm xoang mạn :

Triệu chứng kéo dài từ 3 tháng trở lên.

2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN VIÊM XOANG

2.1. Bệnh sử.

Đau đầu, nặng mặt, nghẹt mũi, chảy mũi, giảm khứu, sốt (thường gặp trong viêm cấp), hơi thở hôi, mệt mỏi, ho, nặng tai.

2.2. Khám lâm sàng.

Niêm mạc mũi phù nề, sung huyết, xuất tiết dịch.

Cuốn mũi dưới phù nề, khe giữa có thể thấy dịch mủ

Ấn đau các điểm đau xoang ( hố nanh, điểm Grund-wald, điểm Ewing ).

2.3. Cận lâm sàng:

• Nội soi mũi xoang :

Với ống soi cứng hoặc ống mềm có thể phát hiện các bất thường :

Sung huyết, phù nề niêm mạc Dịch, nhầy, mủ ở các ngách.

Bất thường cuốn giữa, cuốn dưới.

Dị hình cấu trúc Polyp mũi

Khối u trong mũi, xoang

• Chụp X-quang xoang : Giá trị chẩn đoán có phần hạn chế.

• Chụp CTScan mũi xoang :

Được so sánh như một bản đồ xoang cạnh mũi, giúp chẩn đoán, chỉ định và phẫu thuật nội soi mũi xoang Chụp MRI mũi xoang :

Chỉ định trong bệnh lý khối u và bệnh lý phần mềm

3. CHẨN ĐOÁN VIÊM XOANG

3.1. Chẩn đoán xác định.

Có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau:

Nghẹt mũi.

Chảy mũi trước hoặc mũi sau.

Đau, cảm giác nặng vùng mặt.

Giảm hoặc mất mùi.

Khám ( nội soi mũi xoang ) có dịch nhầy mủ từ các khe mũi, tắc hẹp hay phù nề lỗ thông xoang, hình ảnh thoái hóa niêm mạc mũi xoang.

CTscan mũi xoang: Hình ảnh viêm niêm mạc xoang.

3.2. Chẩn đoán phân biệt.

Viêm mũi dị ứng.

Khối u vùng mũi xoang.

K vòm.

3.3. Chẩn đoán biến chứng.

Viêm xoang có thể dẫn đến các biến chứng ở đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản – khí – phế quản. Biến chứng ở mắt như nhiễm trùng ổ mắt, viêm thần kinh thị giác. Biến chứng nội sọ như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm não, viêm màng não.

4. ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG

4.1. Mục đích điều trị:

Giải quyết nhiễm trùng, giải quyết tắc nghẽn, hạn chế biến chứng, chống tái phát

4.2. Nguyên tắc điều trị:

Kháng sinh theo kháng sinh đồ

Phẫu thuật tối thiểu, bảo tồn cấu trúc, đảm bảo sinh lý mũi xoang.

4.3. Điều trị cụ thể:

• Điều trị nội khoa :

Kháng sinh : Tốt nhất là dùng theo sự hướng dẫn của kháng sinh đồ.Dùng theo kinh nghiệm thì có thể sử dụng:

Amoxycillin + Clavulanate (IDSA 2012 khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên) hoặc

Levofloxacine + Metronidazole Kháng dị ứng : Nếu bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

Giảm đau, hạ sốt Thuốc tan nhày

Thuốc co mạch tại chỗ : Giảm phù nề phức hợp lỗ thông khe, tạo thuận lợi cho sự thông khí và dẫn lưu xoang.

Corticosteroid : Có thể dùng đường uống hoặc dùng tại chỗ.Dạng xịt mũi tại chỗ làm giảm hiện tượng viêm, giảm khối lượng polyp.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ : Đưa thuốc vào xoang ( Proetz ),rửa mũi bằng NaCL 0,9%, khí dung mũi họng, chọc rửa xoang hàm.

• Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị tích cực bằng nội khoa không có hiệu quả

Phẫu thuật nội soi chức năng xoang: Là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nhưng đạt hiệu quả tối đa. Dưới cái nhìn trực tiếp qua nội soi, phẫu thuật viên có thể can thiệp chính xác vào những cản trở lưu thông, lấy hết bệnh tích và đánh giá tình trạng mũi xoang một cách toàn diện.Tái thông khí và tạo điều kiện cho sự phục hồi của hệ thống thanh thải nhầy lông chuyển qua lỗ thông tự nhiên.

Phẫu thuật xoang kinh điển:

Là phẫu thuật tiệt căn, lấy bỏ toàn bộ niêm mạc xoang. Chỉ áp dụng với những trường hợp viêm thoái hóa nặng nề, niêm mạc xoang không còn khả năng hồi phục.

5. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM VIÊM XOANG

5.1. Tiêu chuẩn nhập viện: Viêm xoang cấp đe dọa biến chứng và viêm xoang mạn tính có chỉ định điều trị phẫu thuật.

5.2. Theo dõi: Theo dõi diễn tiến bệnh và hiệu quả điều trị. Theo dõi những dấu hiệu của biến chứng nếu có.Cần săn sóc hậu phẫu thật tốt để đảm bảo kết quả của phẫu thuật.

5.3. Tiêu chuẩn xuất viện: Các triệu chứng hết hẳn hoặc giảm nhiều. Mũi thông thoáng.

5.4. Tái khám: Theo dõi kết quả điều trị từ 4 đến 6 tuần đối với viêm cấp. Đối với trường hợp phẫu thuật nên tái khám hàng tuần trong tháng đầu để tiếp tục làm thuốc mũi, chống dính và hẹp tắc sau mổ. Đánh giá kết quả điều trị sau 4 tháng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Bệnh viện Chợ rẫy. Viêm xoang. Phác đồ điều trị. NXB Y học. 2013.

2. Vũ Hải Long. Đánh giá kết quả điều trị viêm mũi xoang mạn tính bằng phẫu thuật nội soi chức năng. Luận án chuyên khoa 2. Trường ĐH Y TpHCM. 2004.

3. Christine Radojicic. “Sinusitis”. Disease Management Project. Cleveland Clinic. Retrieved November 26, 2012.

4. Chow, AW; Benninger, MS; Brook, I; Brozek, JL; Goldstein, EJ; Hicks, LA; Pankey, GA; Seleznick, M; Volturo, G; Wald, ER; File TM, Jr; Infectious Diseases Society of, America. “IDSA clinical practice guideline for acute bacterial rhinosinusitis in children and adults”. Clinical infectious diseases : an official publication of the Infectious Diseases Society of America. 2012. 54 (8): e72-e112.

5. Hamilos, DL. “Chronic rhinosinusitis: epidemiology and medical management”. The Journal of Allergy and Clinical Immunology.2011. 128 (4): 693-707; quiz 708-9.

<strong>VIÊM XOANG</strong>