Mới đây, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt chỉ định bổ sung cho thuốc qsymia để quản lý cân nặng mãn tính ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên bị béo phì
Béo phì là rối loạn dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em phần lớn do lối sống (ít vận động, ăn nhiều năng lượng hơn so với nhu cầu…), môi trường bên ngoài tác động. Ngoài ra, một số ít trường hợp béo phì có thể do gen hoặc hormon…
Béo phì ở trẻ em là một tình trạng nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, ví dụ như bệnh tim mạch, gan, thận, rối loạn chuyển hóa, đề kháng insulin… ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Nhiều trẻ em béo phì có khả năng trở thành người lớn béo phì.
Thay đổi lối sống được khuyến khích như là liệu pháp đầu tay trong điều trị béo phì.
Tuy nhiên, khi can thiệp lối sống không thành công trong việc đạt được mục tiêu giảm cân, có thể cân nhắc sử dụng thuốc.
Dùng thuốc trị béo phì khi nào?
Qsymia là viên nang giải phóng kéo dài chứa phentermine và topiramate, nên được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho chế độ ăn kiêng giảm calo và tăng cường hoạt động thể chất.
Nghiên cứu lâm sàng trên trẻ em từ 12 -17 tuổi béo phì (những người không thể giảm cân hoặc duy trì việc giảm cân bằng những thay đổi trong thói quen ăn uống hoặc tập thể dục), mỗi ngày 1 lần.
Tất cả những người tham gia đều được tư vấn về việc thay đổi lối sống như giảm lượng calo và tăng hoạt động thể chất.
Vào cuối nghiên cứu, những người tham gia dùng qsymia 7,5 mg / 46 mg và qsymia 15 mg / 92 mg giảm trung bình 4,8% và 7,1% BMI, trong khi những người dùng giả dược tăng trung bình 3,3% BMI.
Hiện thuốc chưa được chứng minh là có thể điều trị giảm cân khi kết hợp với các sản phẩm khác (chẳng hạn như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các chế phẩm thảo dược).
Một số thông tin an toàn của thuốc
Qsymia có thể làm tăng nhịp tim. Tác dụng của thuốc này đối với nhịp tim ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột qụy vẫn chưa được biết đến. Do đó, việc sử dụng qsymia ở những bệnh nhân bị bệnh tim gần đây (trong vòng sáu tháng qua) hoặc bệnh tim không ổn định hoặc đột quỵ không được khuyến khích. Theo dõi nhịp tim thường xuyên được khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân dùng qsymia, đặc biệt khi bắt đầu dùng qsymia hoặc tăng liều.
Qsymia có liên quan đến hành vi và ý tưởng tự sát, bệnh nhân nên theo dõi sự thay đổi tâm trạng, trầm cảm hoặc ý nghĩ tự tử và ngừng qsymia nếu các triệu chứng này phát triển.
Qsymia có liên quan đến việc làm chậm tăng trưởng, do đó nên theo dõi sự tăng trưởng ở thanh thiếu niên dùng qsymia.
Ngoài ra, thuốc cũng có liên quan đến cận thị cấp tính, tăng nhãn áp góc đóng thứ phát và các vấn đề về thị lực; rối loạn tâm trạng và giấc ngủ; suy giảm nhận thức; nhiễm toan chuyển hóa; và giảm chức năng thận…
Do thuốc được sử dụng ở người lớn nên cần lưu ý đối với những trường hợp mang thai: Qsymia có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng khi đang mang thai, bao gồm tăng nguy cơ sứt môi (sứt môi và hở hàm ếch). Những bệnh nhân có thể mang thai nên lấy kết quả thử thai âm tính trước khi bắt đầu điều trị bằng qsymia, thực hiện xét nghiệm mang thai hàng tháng và sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi dùng qsymia.
Một số bất lợi có thể xảy ra được báo cáo trong thử nghiệm lâm sàng dành cho trẻ em bao gồm: Trầm cảm, chóng mặt, đau khớp, sốt…
Các phản ứng phụ thường gặp nhất ở người lớn là cảm giác kim châm, chóng mặt, suy giảm hoặc thay đổi vị giác, mất ngủ, táo bón và khô miệng…
Theo báo Sức khỏe và đời sống