CÁCH DÙNG THUỐC KHÁNG HISTAMIN TRONG VIÊM MŨI DỊ ỨNG AN TOÀN

Thuốc kháng histamin đường uống được chia thành hai thế hệ, khác nhau bởi tác dụng phụ và liều lượng của chúng. Tất cả các thuốc đều có hiệu quả như nhau.

– Thuốc kháng histamin đường uống thế hệ đầu tiên bao gồm diphenhydramine, chlorpheniramine, hydroxyzine, promethazine, brompheniramine.

Tác dụng phụ phổ biến nhất và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân nhất là tác dụng an thần, gây buồn ngủ. Ngoài ra thuốc còn gây khô miệng, khô mắt, bí tiểu và lú lẫn do tác dụng kháng cholinergic của thuốc. Bên cạnh đó, thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.

– Thuốc kháng histamin đường uống thế hệ thứ hai có tất cả các lợi ích của thuốc thế hệ thứ nhất mà không có tác dụng an thần và kháng cholinergic.

Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai được dung nạp tốt nhưng không vượt qua hàng rào máu não như thuốc thế hệ 1 nên không có tác dụng an thần, thường được dùng một lần hoặc hai lần mỗi ngày. Do đó, các thuốc này được sử dụng phổ biến hơn để kiểm soát viêm mũi dị ứng.

Các thuốc nhóm này bao gồm cetirizine, loratadine, fexofenadine, desloratadine và levocetirizine…

LƯU Ý KHI DÙNG KHÁNG HISTAMIN TRONG VIÊM MŨI DỊ ỨNG

1 – Thuốc kháng histamin chống chỉ định tuyệt đối cho bệnh nhân glaucom góc hẹp và glaucom góc đóng bởi vì cơ chế kháng cholinergic của thuốc có thể gây tác dụng tăng nhãn áp. Cần thận trọng khi dùng thuốc cho người bị bệnh gan và người phì đại tuyến tiền liệt

2 – Hầu hết các thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều lượng và thời gian, theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt chú ý ở các đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em.

3 – Trong khi dùng thuốc kháng histamin, đặc biệt là thuốc kháng histamin thế hệ 1, người bệnh cần tránh uống rượu. Nguyên nhân là rượu có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc và đồng thời cũng cần lưu ý chặt chẽ khi dùng các thuốc an thần kết hợp với thuốc kháng histamin.

4 – Thuốc kháng histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng (ngưa, hắt hơi, chảy nước mũi…) chứ không điều trị được nguyên nhân nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn.

Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng (thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn…) mới có thể trị được bệnh. Việc dùng thuốc do đó cũng phải kiên trì, phải dùng nhiều đợt mới hạn chế được tái phát.

CÁCH DÙNG THUỐC KHÁNG HISTAMIN TRONG VIÊM MŨI DỊ ỨNG AN TOÀN