Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi

Sốt xuất huyết hay sốt siêu vi đều là những vấn đề sức khỏe phát sinh do virus xâm nhập vào cơ thể, triệu chứng thường thấy nhất là sốt cao đột ngột và các triệu chứng khác tương tự nhau, nên các triệu chứng bệnh rất dễ bị nhầm lẫn. Việc phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết có thể giúp bạn mau chóng có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời, từ đó nâng cao khả năng hồi phục sức khỏe.

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi

1. Sốt siêu vi là gì?

Trước khi tìm cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bạn sẽ cần hiểu rõ về các bệnh lý này trước.

Theo nhiều chuyên gia, thuật ngữ sốt siêu vi đề cập đến trường hợp nhiệt độ cơ thể tăng lên để kháng lại sự tấn công của virus. 

Mặc dù bệnh tương đối phổ biến, nhưng ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt siêu vi. Các biện pháp hiện tại chỉ có thể xoa dịu triệu chứng, đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể. 

Vì sao bạn bị sốt siêu vi? Sốt siêu vi có lây không?

Sốt siêu vi là một dạng nhiễm trùng nên đối tượng dễ mắc bệnh nhất sẽ gồm những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ. 

Ngoài ra, sức đề kháng của một người có xu hướng giảm khi thời tiết thay đổi đột ngột. Điều này tạo điều kiện cho các chủng vi sinh vật gây bệnh dễ dàng tấn công hơn, bao gồm cả virus. Do đó, giai đoạn giao mùa là thời điểm sốt siêu vi dễ bùng phát nhất. 

Mặt khác, vì các chủng virus là tác nhân chủ yếu khiến bạn bị sốt trong trường hợp này nên sốt siêu vi hoàn toàn có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Những con đường lây nhiễm phổ biến nhất gồm:

  • Hô hấp: động tác ho hoặc hắt hơi của người bệnh có thể vô tình “đẩy” virus từ mình sang những người xung quanh. Các chủng virus lây truyền qua đường hô hấp thường là coronavirus và rhinovirus.
  • Tiêu hóa: một số virus cũng có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể bằng cách bám vào thực phẩm hay đồ uống, ví dụ như norovirus hay enterovirus. Việc dùng phải những thực phẩm ô nhiễm như vậy tạo điều kiện cho virus tấn công cơ thể và gây sốt. 

Thêm vào đó, bạn còn có thể bị lây bệnh gián tiếp thông qua hành động tiếp xúc với vật dụng ở chỗ công cộng, chẳng hạn như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…, vô tình bị dính dịch chứa virus. 

Không những thế, đôi khi, những virus gây sốt siêu vi còn có nguy cơ lây nhiễm qua:

  • Quan hệ tình dục
  • Truyền máu
  • Mẹ sinh con

Sốt siêu vi kéo dài bao lâu?

Thông thường, cơn sốt siêu vi có khả năng kéo dài khoảng 1 – 2 tuần. Trong thời gian này, bạn có thể bắt gặp một số triệu chứng như: 

  • Sốt cao đột ngột. Thân nhiệt tăng lên 38 – 39ºC, đôi khi đến 40ºC nếu bệnh trở nặng
  • Nhức đầu
  • Có dấu hiệu viêm đường hô hấp: ho nhiều, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi…
  • Hay ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ
  • Hệ tiêu hóa gặp vấn đề: tiêu chảy, đau bụng…

Sốt siêu vi có nguy hiểm không?

Phần lớn trường hợp, sốt siêu vi không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và có thể hết sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì thế mà chủ quan. Thực tế, nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng sốt do nhiễm virus có nguy cơ dẫn đến một loạt biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như: 

  • Nhiễm trùng ở hệ hô hấp: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản…
  • Viêm cơ tim
  • Tổn thương não

Phòng ngừa sốt siêu vi như thế nào mới hiệu quả?

Từ lâu, bác sĩ vấn luôn đánh giá phòng ngừa là cách chữa bệnh hiệu quả nhất. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng sốt siêu vi xảy ra ở mình, bạn nên áp dụng một số quy tắc sinh hoạt như sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý, khoa học
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa cũng như nơi làm việc để ngăn chặn sự tấn công hay phát triển của virus gây bệnh
  • Tập thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
  • Sử dụng khăn giấy để che mũi và miệng khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi

2. Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết khi bị sốt cao đột ngột

Khác với sốt siêu vi, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá sốt xuất huyết là một trong những bệnh lý truyền nhiễm đáng lưu tâm nhất. Ngoài ra, vấn đề sức khỏe này đặc biệt phổ biến ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới, chẳng hạn như Việt Nam. 

Nguyên nhân: điểm khác biệt lớn nhất giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Trong khi nguyên nhân gây sốt siêu vi có thể xuất phát từ nhiều chủng siêu vi trùng khác nhau, tác nhân chủ yếu đứng sau sốt xuất huyết là virus dengue. Bên cạnh đó, nguyên nhân sốt xuất huyết còn phải kể đến muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh.

Ngoài bị muỗi vằn đốt, bạn còn có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết qua đường máu, chẳng hạn như nhận máu hay dùng chung kim tiêm từ người bệnh. Trẻ sơ sinh cũng có thể lây bệnh từ mẹ. 

Không những thế, thay vì dễ dàng phát sinh vào những thời điểm giao mùa như sốt siêu vi, sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa. Điều kiện ẩm thấp trong thời gian này giúp muỗi vằn thuận lợi sinh sản và phát triển, từ đó “phân phát” virus dengue bằng cách hút máu người. 

Mặt khác, sốt xuất huyết còn có khả năng xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, tương tự sốt siêu vi, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nhất. 

Khi bị sốt cao đột ngột, làm sao để phân biệt triệu chứng sốt xuất huyết và sốt siêu vi?

Sốt xuất huyết được chia thành ba giai đoạn chính với những triệu chứng gồm:

  • Giai đoạn sốt: kéo dài 4 – 10 ngày sau khi bị muỗi đốt. Lúc này, người bệnh thường có biểu hiện:
    • Sốt cao đột ngột: Sốt cao (39 – 40ºC) liên tục và khó hạ sốt
    • Đau nhức dữ dội ở vùng trán và hốc mắt
    • Phát sinh tình trạng sung huyết
    • Mất khẩu vị, chán ăn
    • Có cảm giảm buồn nôn
    • Đau khớp và cơ
    • Đau cơ, đau khớp.
  • Giai đoạn nguy hiểm: bắt đầu từ ngày thứ 3 sau khi phát bệnh và kéo dài đến bốn ngày tiếp theo. Khi đó, thân nhiệt có xu hướng giảm nhưng một số triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bao gồm: 
    • Thoát huyết tương (kéo dài 1 – 2 ngày)
    • Xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết niêm mạc
    • Xuất huyết hoặc suy nội tạng
  • Giai đoạn hồi phục: diễn ra trong khoảng 1 – 2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm. Lúc này, các triệu chứng có dấu hiệu cải thiện, chẳng hạn như huyết áp ổn định, có lại khẩu vị…

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Tương tự sốt siêu vi, sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như: 

  • Sốc do mất máu: virus dengue có khả năng làm gia tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến xuất huyết ở nhiều cơ quan như phổi, hệ tiêu hóa, não… 
  • Biến chứng ở mắt: trong một số trường hợp, người bệnh có nguy cơ bị mù do tình trạng xuất huyết xảy ra ở võng mạc hoặc lớp dịch kính. 
  • Suy tim hoặc suy thận: xuất huyết liên tục là nguyên nhân chủ yếu gây suy tim trong trường hợp này. Ngoài ra, thận cũng phải làm việc năng suất hơn nhằm bài tiết huyết tương chảy ra qua nước tiểu. Nếu kéo dài, điều này cũng dễ dàng gây suy thận. 
  • Tràn dịch màng phổi: đôi khi, huyết tương tràn ra sẽ đi vào đường hô hấp và gây nên những vấn đề như tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp hoặc viêm phổi. Từ đó, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do gặp khó khăn trong việc hít thở. 
  • Hôn mê: lượng huyết tương thoát ra có thể đọng trong màng não, gây phù não và một số hội chứng liên quan đến hệ thần kinh, từ đó dẫn đến hôn mê. 
  • Tụt huyết áp và đau đầu dữ dội: xuất huyết có thể đi chung với hạ huyết áp. Khi áp lực máu giảm đột ngột, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại hay thậm chí là đứng yên. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể dẫn đến đau đầu dữ dội, một biểu hiện của xuất huyết não. 
  • Sẩy thai: mẹ bầu bị sốt xuất huyết có nhiều nguy cơ gặp phải biến chứng hơn những người khác. Trong đó, nếu bệnh xảy ra vào những tháng đầu thai kỳ, rủi ro sẩy thai là rất lớn.