Khái niệm trẻ em theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được tính từ lúc mới sinh đến 18 tuổi; trong đó, có các nhóm tuổi: Sơ sinh (từ 0 đến 28 ngày tuổi), nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) và trẻ em (1-12 tuổi) cần đặc biệt lưu ý về sử dụng thuốc. Riêng độ tuổi từ 12 tuổi trở lên chỉ định và liều dùng của đa số thuốc được tính như người lớn.
“Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ”, nghĩa là không phải chỉ giảm liều thuốc của người lớn thành liều của trẻ em mà trẻ em còn có những đặc điểm riêng của sự phát triển:
- Sự gắn thuốc vào protein huyết tương còn ít, mặt khác một phần protein huyết tương còn gắn với bilirubin, dễ bị thuốc đẩy ra, ngộ độc bilirubin.
- Hệ enzyme chuyển hóa thuốc chưa phát triển.
- Hệ thải trừ thuốc chưa phát triển.
- Hệ thần kinh chưa phát triển, myelin còn ít, hàng rào máu – não chưa đủ bảo vệ nên thuốc thấm qua và tế bào thần kinh còn dễ nhạy cảm.
- Tế bào chứa nhiều nước, không chịu được thuốc gây mất nước.
Do đó, một số điểm cần lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ:
Về đường dùng
- Đường uống: bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của đường tiêu hóa như pH dịch tiêu hóa, độ rỗng của dạ dày, nhu động ruột,… trong đó đáng chú ý mức độ bài tiết dịch vị và acid HCl ở trẻ em tính theo cân nặng thể trọng thấp hơn rất nhiều so với người lớn, nhất là ở trẻ thiếu tháng và trẻ sơ sinh.
Mức độ này chỉ đạt được độ tương đương khi trẻ trên 2 tuổi. Vì vậy, việc dùng các thuốc chịu ảnh hưởng bởi dịch vị và acid dạ dày ở trẻ em cần có chỉ dẫn đặc biệt. Bên cạnh đó, tốc độ làm rỗng dạ dày ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh rất chậm, khoảng 6 – 8 tháng mới đạt được như người lớn, vì vậy phần lớn các thuốc dùng đường uống cho trẻ dưới 8 tháng tuổi sẽ hấp thu chậm hơn, do vậy ở tuổi này người ta khuyến cáo nên dùng đường tiêm tĩnh mạch để thuốc hấp thu tối đa và ổn định hơn.
- Với đường tiêm bắp: ở trẻ nhỏ cơ bắp chưa phát triển, lưu lượng máu tới cơ vân còn thấp, vì vậy khả năng hấp thu chậm, hơn nữa tiêm bắp cũng gây một điều phiền toái khác là làm trẻ rất đau, vì vậy khuyến cáo là hạn chế dùng cách đưa thuốc này.
- Với đường trực tràng: có ưu điểm trong các trường hợp trẻ bị nôn hoặc các trường hợp khác mà trẻ không uống thuốc được. Hấp thu qua đường trực tràng khá tốt và nhanh, nên cần lưu ý đến tình trạng ngộ độc thuốc có thể xảy ra nếu không tính toán liều cẩn thận.
- Đường hấp thu qua da: với trẻ em cũng hay được dùng, nhưng da trẻ em rất mỏng nên khả năng hấp thu qua da rất lớn, nếu da bị tổn thương khả năng hấp thu càng tăng, do đó dễ dẫn đến ngộ độc, ngoài ra, da trẻ em rất nhạy cảm nên cần để ý đến các phản ứng kích thích tại chỗ.
- Hấp thu qua niêm mạc hô hấp: ngày nay, với các thuốc dạng xịt, khí dung thì phương thức này càng được sử dụng nhiều do niêm mạc hô hấp mỏng, nhiều mạch máu nên khả năng hấp thu thuốc tốt. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều các thuốc co mạch sẽ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Liều lượng, thời gian và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc
– Liều lượng thuốc dùng cho trẻ nhỏ được tính theo cân nặng của trẻ do đó phụ huynh cần nắm rõ cân nặng của trẻ.
- Một số tác giả đã đưa ra các công thức để tính liều cho trẻ em
+ Công thức của Young: dùng cho trẻ từ 2-12 tuổi:
+ Công thức của Cowling: dùng cho trẻ từ 2-12 tuổi
+ Công thức của Fried dùng cho nhũ nhi
– Thời gian và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cho trẻ cũng rất quan trọng, có thuốc được chỉ định khi đói bụng, có thuốc được chỉ định sau khi ăn. Với trẻ cần sử dụng thuốc vào thời điểm khác nhau trong ngày phụ huynh cần ghi nhớ thời điểm bác sĩ chỉ định trên đơn thuốc để sử dụng cho đúng.