NGHE KÉM Ở TRẺ EM

(Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về Tai Mũi Họng – Ban hành kèm theo Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Mất thính lực có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho trẻ, trước hết là đối với việc tập nói và phát triển ngôn ngữ, tiếp đến là làm thay đổi tính nết của trẻ… Mất thính lực càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Các hậu quả sẽ được giảm nhẹ rất nhiều nếu điếc được phát hiện sớm và có các biện pháp hỗ trợ, giáo dục phục hồi chức năng cần thiết.

  1. CÁC CHỈ ĐỊNH CẦN KIỂM TRA THÍNH LỰC CHO TRẺ EM

Có hàng loạt các yếu tố nguy cơ của mất thính lực ở trẻ em, do đó, có hàng loạt lý do đặc biệt tại sao cần phải tầm soát hay kiểm tra sức nghe của trẻ.

Các chỉ định chung đối với việc đánh giá sức nghe bao gồm:

− Chậm nói.

− Viêm tai thường xuyên hoặc tái phát.

− Trong gia đình có người khiếm thính (mất thính lực có thể do di truyền).

− Bị các hội chứng được biết đến có liên quan với mất thính lực (ví dụ, hội chứng Down, hội chứng Alport, và hội chứng Crouzon).

− Các bệnh truyền nhiễm gây ra mất thính lực (viêm màng não, bệnh sởi và nhiễm cytomegalovirus).

− Các thuốc điều trị có thể gây mất thính lực như là một tác dụng phụ, bao gồm một số thuốc kháng sinh và một số chất của hóa trị liệu.

− Học kém.

− Đã được chẩn đoán không có khả năng học tập hoặc những bệnh khác, như tự kỷ hoặc rối loạn phát triển đều khắp.

Ngoài ra, tình trạng mang thai và tình trạng khi sinh có thể liên quan với mất thính lực của trẻ.

Nếu có một bệnh sử bao gồm những trường hợp sau đây, trẻ cần phải được đánh giá thính lực.

− Trọng lượng sinh thấp (ít hơn 1kg) và / hoặc sinh non.

− Phải hỗ trợ thông khí (để giúp thở hơn 10 ngày sau khi sinh).

 − Điểm số Apgar thấp (số được tính khi sinh phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh).

− Vàng da nặng sau khi sinh.

− Mẹ bị bệnh trong khi mang thai.

− Não úng thủy.

Một số cha mẹ bắt đầu nghi ngờ con của họ không thể nghe bình thường vì đứa trẻ có những lúc không đáp ứng với tên của mình hoặc yêu cầu lặp đi lặp lại thường các từ, cụm từ, hoặc câu. Một dấu hiệu có thể khác nữa là đứa trẻ dường như không chú ý đến âm thanh hay những gì đang được nói. Trung bình, chỉ có một nửa số trẻ em được chẩn đoán khiếm thính thực sự có một yếu tố nguy cơ được biết đến của mất thính giác.

Điều này có nghĩa là nguyên nhân không bao giờ được biết đến chiếm khoảng một nửa số trẻ khiếm thính. Vì lý do này, nhiều bang ở Mỹ đã thực hiện tầm soát khiếm thính chung (universal hearing screen) cho tất cả các trẻ sơ sinh trước khi rời bệnh viện về nhà.

2. XỬ TRÍ NGHE KÉM Ở TRẺ EM

Khi mất thính lực được xác định, việc tìm kiếm kỹ lưỡng nguyên nhân của nó phải được thực hiện.

2.1. Nghe kém do nhiễm trùng tai

 Điều trị nhiễm trùng tai. nếu mất thính lực vẫn còn hiện diện sau khi đã điều trị nhiễm trùng cần trợ thính cho bé.

2.2. Nghe kém không do viêm nhiễm nên trợ thính phù hợp theo mức độ khiếm thính và dạng khiếm thính

2.3. Các phương pháp trợ thính cho trẻ. Nên trợ thính sớm ngay sau khi xác định bé bị khiếm thính.

2.3.1. Điếc nhẹ và vừa Mang máy nghe và học trường thường.

 2.3.2. Điếc nặng và sâu Sau khi chẩn đoán xác định, nên cho bé mang ngay loại máy nghe có mức khuyếch đại và độ rõ lời tốt nhất hiện có trên thị trường khoảng 3 đến 6 tháng đồng thời tham gia chương trình can thiệp sớm gần nhà.

Sau đó đánh giá lại tiến triển về nói và phát triển ngôn ngữ nếu mức phát triển tương đối tốt có khả năng sẽ đuổi kịp hoặc gần kịp các bạn cùng tuổi không bị nghe kém, bé sẽ tiếp tục mang máy nghe và học trường thường. Nếu đánh giá lại không đạt yêu cầu, tốt nhất nên gửi bé đi đánh giá xem có đủ tiêu chuẩn là ứng cử viên của cấy điện ốc tai không.

Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn là ứng cử viên của cấy điện ốc tai, hay kinh phí gia đình không đáp ứng nổi để cấy điện ốc tai sẽ tiếp tục mang máy nghe và học ở trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính.

Các trường này sẽ rèn luyện cho cả bố mẹ và trẻ để:

 − Duy trì việc phát âm của trẻ trong các tháng đầu và phát triển thêm.

− Tập cho trẻ lưu ý, nhận thức thế giới âm thanh, môi trường âm thanh quanh mình.

− Khai thác các khả năng cảm thụ khác thay thế, phụ thêm cho thính giác như thị giác, xúc giác.

− Phát triển nhu cầu giao tiếp của trẻ.

 − Luyện khả năng đọc hình miệng.

NGHE KÉM Ở TRẺ EM