Nữ giới có khá nhiều những thời điểm nhạy cảm, khiến việc dùng thuốc cũng cần phải điều chỉnh. Dưới đây là các mốc thời điểm mà các chị em cần lưu ý khi sử dụng thuốc. Người dược sĩ tư vấn cần nắm rõ những điều này để tư vấn bệnh nhân sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả.
Mục lục
1. Thời kỳ kinh nguyệt
Trong thời kỳ này, nếu phải dùng thuốc dài ngày, có những đợt ngừng thuốc thì nên sắp xếp ngừng thuốc vào những ngày này.
Một số loại thuốc không nên dùng:
- Thuốc trị nhiễm trùng âm đạo vì trong thời gian có kinh nguyệt, niêm mạc tử cung tắc nghẽn, cổ tử cung giãn ra. Nếu cố tình sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, chống nấm “vùng kín” sẽ dẫn đến khả năng tử cung bị vi khuẩn xâm lấn ngược lên trên do cổ tử cung đã bị giãn ra.
- Các loại thuốc liên quan đến nội tiết: Giai đoạn này sự cân bằng nội tiết trong cơ thể của người phụ nữ không được ổn định, nếu dùng thêm các loại thuốc nội tiết sẽ có thể càng dẫn đến rối loạn nội tiết và ảnh hưởng sức khỏe.
- Thuốc cầm máu: Các loại thuốc cầm máu sẽ làm giảm đi tính thấm của mao mạch và giảm đi sự co thắt của các mao mạch gây ra ứ huyết vì không thể đẩy máu ra ngoài.
- Thuốc nhuận tràng: Các loại thuốc nhuận tràng có thể gây tắc nghẽn vùng chậu, gây xung huyết vì vậy cần tránh dùng các loại thuốc này trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
2. Thời kỳ có thai
Trong 3 tháng đầu, sử dụng thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Trong 3 tháng giữa thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bào thai. Trong 3 tháng cuối, thuốc có thể gây sảy thai, đẻ non.
Vì vậy, khi cần chỉ định thuốc cho phụ nữ có thai, cần cân nhắc thật kỹ lợi ích cho người mẹ và nguy hại cho bào thai. Nói chung trong 3 tháng đầu, tuyệt đối tránh dùng mọi loại thuốc.
Đối với người mẹ, khi có thai, lượng nước trong cơ thể tăng, thể tích máu tăng, hàm lượng protein huyết tương có thể giảm, lượng lipid có thể tăng … làm ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu thuốc.
3. Thời kỳ cho con bú
Rất nhiều thuốc khi dùng cho mẹ sẽ thải trừ qua sữa do đó có thể gây độc hại cho con. Do đó, chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết, ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nếu có thể, nên dùng các loại thuốc uống một lần, một ngày ngay sau khi cho trẻ bú hoặc cách ít nhất 2-4 giờ trước khi cho con bú/ ăn cữ dài nhất, có thể là lần ăn cuối ngày, trước khi trẻ đi ngủ.
Theo dõi các tác dụng phụ bé có thể gặp như buồn ngủ, khó chịu, ngầy ngật, sụt cân, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
Tránh các thuốc có tác dụng kéo dài, phóng thích kéo dài và các dạng thuốc kết hợp. Vì các loại thuốc tác dụng ngắn sẽ được loại bỏ khỏi cơ thể mẹ nhanh hơn và các loại thuốc đơn liều sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh linh hoạt khi cần.
Một số loại thuốc tránh dùng ở phụ nữ đang cho con bú:
- Thuốc ức chế tiết sữa: hầu hết các thuốc ức chế quá trình tiết sữa đều thực hiện qua sự ức chế Prolactin, điển hình là thuốc chứa progesterone (thuốc tránh thai), thuốc dị ứng cyproheptadin (thuốc dị ứng) , pseudoephedrine (thuốc trị cảm cúm, nghẹt mũi)
- Thuốc làm sữa mẹ có vị đắng: ví dụ như kháng sinh metronidazole có thể làm cho trẻ bỏ bú.
- Thuốc ức chế phản xạ bú của trẻ: điển hình thuốc ức chế thần kinh trung ương (thuốc an thần hay thuốc kháng histamin cổ điển gây buồn ngủ) mà mẹ đang dùng có thể làm trẻ ngầy ngật bỏ bú.
Tuyệt đối không dùng các thuốc sau :
- Thuốc có chứa thuốc phiện và dẫn xuất của thuốc phiện (thuốc giảm ho, codein …) vì thuốc thải trừ qua sữa và trung tâm hô hấp của trẻ rất nhạy cảm, có thể bị ngưng thở.
- Không dùng các loại corticoid: làm suy thượng thận trẻ.
- Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp và iod: do nguy cơ gây rối loạn tuyến giáp.
- Thuốc Cloramphenicol và thuốc phối hợp sulfametoxazol + trimethoprim (Co-trimoxazol) vì có thể gây suy tủy xương.