PHỤ NỮ MẮC TĂNG HUYẾT ÁP MONG MUỐN CÓ BÉ THÌ CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

Tổ chức Y tế Thế giới và Hội tăng Huyết áp Quốc tế đã thống nhất quy ước gọi là tăng huyết áp ở người trưởng thành khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) ≥ 90mmHg trong ít nhất hai lần khám khác nhau.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp của Bộ Y Tế Huyết áp được phân độ như sau:

  • Tiền tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85 – 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1 khi huyết áp tâm thu từ 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 – 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2 khi huyết áp tâm thu từ 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100 – 109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3 khi huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ ≥ 110 mmHg.

Bệnh nhân tăng huyết áp tiên phát thường có bệnh cảnh tăng huyết áp là chủ yếu, bệnh có thể kết hợp với tiền sử gia đình có tăng huyết áp, hoặc tăng huyết áp thứ phát sau bệnh thận, bệnh tim mạch, bệnh nội tiết hoặc kết hợp với một số bệnh khác như đái tháo đường, béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang.

Tăng huyết áp là một bệnh nội khoa thường gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tăng huyết áp gây nhiều biến chứng thai kỳ và ảnh hưởng lên sức khỏe lâu dài của phụ nữ.

Thai phụ bị tăng huyết áp cần được chăm sóc đặc biệt do tiềm ẩn nhiều nguy cơ bao gồm:

– Giảm lượng máu tới rau thai do đó làm giảm cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng cho thai nhi làm chậm quá trình phát triển của thai và làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân (trẻ có trọng lượng < 2500gam khi sinh).

– Rau bong non làm thai thiếu Oxy và gây xuất huyết ở thai phụ.

– Sinh non, trong một số trường hợp phải chủ động gây sinh non để tránh một số biến chứng nghiêm trọng.

– Các bệnh lý tim mạch, các thai phụ bị tiền sản giật với biểu hiện tăng huyết áp và protein trong nước tiểu từ tuần thai thứ 20 có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai mặc dù huyết áp của họ có thể trở về bình thường sau khi sinh.

Ngoài những nguy cơ trên người tăng huyết áp có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim v.v… do đó việc kiểm soát huyết áp hết sức quan trọng ngay cả trong khi mang thai. Nếu bạn bị tăng huyết áp và đang chuẩn bị mang thai, bạn cần được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, điều trị và theo dõi.

Cần chú ý: Một số thuốc điều trị tăng huyết áp sử dụng trong khi mang thai có thể là yếu tố gây dị dạng thai nhi và làm xấu đi tình thạng thai nghén, vì vậy cần được tư vấn và thay đổi thuốc trước khi mang thai do đó việc sử dụng thuốc phải thực hiện nghiêm ngặt và theo hướng dẫn của BS tim mạch.

Bs. Nguyễn Hồng Vân

PHỤ NỮ MẮC TĂNG HUYẾT ÁP MONG MUỐN CÓ BÉ THÌ CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?