Bổ sung omega-3 liều cao có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

 Nhiều người bổ sung dầu cá với hy vọng bảo vệ trái tim của họ, nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy, các sản phẩm omega-3 được kê đơn, dùng liều cao có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim phổ biến.

Bổ sung omega-3 liều cao có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

Axit béo omega-3 trong thuốc kê đơn được tìm thấy tự nhiên trong dầu cá. Thuốc thường được kê cho những người có triglyceride (hay còn gọi là chất béo trung tính) cao. Triglyceride là một loại chất béo trong máu có liên quan đến tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, omega-3 theo toa có thể làm giảm chất béo trung tính từ 20% đến 30% ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, lợi ích cuối cùng của loại thuốc này đối với tim vẫn không rõ ràng và còn nhiều tranh cãi.

Một nghiên cứu mới đã phân tích năm thử nghiệm lâm sàng trước đây cho thấy cần phải thận trọng với sản phẩm này. Trong các thử nghiệm, nhìn chung những bệnh nhân được cung cấp omega-3 có nguy cơ bị rung nhĩ (A-fib, một rối loạn nhịp tim phổ biến) cao hơn 37% so với những người được dùng giả dược. Liều lượng omega-3 được sử dụng dao động từ 0,84 gam đến 4 gam mỗi ngày.

TS Dave Dixon, Đại học Virginia Commonwealth (VCU) ở Richmond cho biết, A-fib không nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng nó cũng “không lành tính”. Theo thời gian, A-fib có thể dẫn đến các biến chứng như suy tim hoặc đột quỵ.

Để an toàn, Hiệp hội tim mạch khuyến nghị nên ăn hai phần cá mỗi tuần. Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích… là những nguồn cung cấp omega-3 tốt nhất. Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ sản phẩm dầu cá (omega-3) nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Những người đang sử dụng omega-3 theo toa nên nói chuyện với bác sĩ của họ trước khi ngừng sử dụng.

Ngọc Bích
(Theo Drugs 6/2021)
Suckhoedoisong.vn